Để xóa tâm lý 'công chức suốt đời'

06/05/2019 10:09

Ký hợp đồng thế nào? Đánh giá cán bộ, công chức ra sao để tránh tình trạng “có vào mà không có ra” và tránh tâm lý “công chức suốt đời”?

Để xóa tâm lý công chức suốt đời - Ảnh 1.

Cán bộ, viên chức Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM tiếp người dân nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp - Ảnh: TỰ TRUNG

Xin giới thiệu hai ý kiến chia sẻ về vấn đề này.

Anh PHATTRA PHATTRAPRASIT (chuyên gia kinh tế thuế, Bộ Tài chính Thái Lan):

Cách đánh giá công chức là mấu chốt

anh thai lan

 

Thái Lan có bốn loại hợp đồng đối với viên chức nhà nước. Những người làm trong mảng dịch vụ dân sự sẽ theo diện hợp đồng vô thời hạn. Viên chức chính phủ sẽ theo diện hợp đồng 5 năm. 

Những người làm việc theo các công trình dự án công thì ký hợp đồng từng năm. Để được gia hạn, các viên chức chính thức theo ngạch hợp đồng vô thời hạn sẽ được đánh giá xem họ có hoàn thành nhiệm vụ hay không. 

Dạng cuối cùng là những nhà thầu vĩnh viễn, nhưng hiện nay các hợp đồng loại này rất ít khi được ký. Nếu có, cũng chỉ ở cấp trung ương.

Thái Lan có quy định cụ thể trong việc đánh giá hiệu quả làm việc của các nhân viên, kể cả những người đã được ký hợp đồng vô thời hạn. Đánh giá này liên quan đến việc được thăng chức hoặc tăng lương. Chúng tôi thực hiện đánh giá này 6 tháng một lần.

Việc đánh giá công chức thường là cấp trên trực tiếp thực hiện. Chúng tôi đã có biểu mẫu và các tiêu chí để đánh giá khá rõ ràng. Người đánh giá được đòi hỏi phải chuyên nghiệp trong các nhận xét và kết luận của mình vì bản đánh giá sẽ có chữ ký của người được nhận xét đánh giá. Do đó, người lao động có quyền thảo luận cho đến khi đồng ý với tất cả những điểm được nêu trong bản đánh giá.

Bản đánh giá này sẽ được đưa lên các cấp cao hơn, thu thập nhiều chữ ký hơn và kết quả cuối cùng là quyết định tăng lương. Nếu làm việc tốt, chúng tôi được tăng lương mỗi 6 tháng một lần. Trong đánh giá công chức, chúng tôi có các bậc là xuất sắc, rất tốt, tốt, bình thường và cần cải thiện. Mức tăng lương tối đa là 4%. Trường hợp không đạt thì không được tăng lương, chứ không bị hạ bậc lương.

Là người lao động, tôi thích được ký hợp đồng dài hạn để ổn định tương lai của mình. Tôi cũng đồng ý rằng hợp đồng dài hạn kiểu vĩnh viễn rất có thể sẽ làm mất đi động lực cố gắng của người lao động. Tuy nhiên, hệ thống đánh giá ràng buộc chặt chẽ với việc tăng lương khắc phục được điều này. Theo tôi, cơ chế này rất có hiệu quả.

Hầu hết người lao động đều thích hợp đồng suốt đời. Vì vậy, theo tôi, cách đánh giá người lao động chính là mấu chốt. Mẫu đánh giá phải bao gồm tất cả các yếu tố về năng lực và hiệu quả mà chính quyền cần ở người viên chức của mình để người đánh giá sử dụng mẫu này có muốn thiên vị cũng không được vì tất cả đều quy về bằng chứng, kết quả và con số. 

Về phía người lao động, họ cần đáp ứng các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (gọi là KPI). Đây là các biện pháp kỹ thuật giúp người lãnh đạo quản lý được mục tiêu chung của tổ chức và đảm bảo nhân viên đang làm việc.

Trên hết, mỗi viên chức nhà nước cần có sự chính trực và thực sự làm công việc trong trách nhiệm của mình. Họ phải nhận thức rõ rằng tất cả những đãi ngộ và lương bổng mà họ được hưởng đều đến từ tiền thuế của nhân dân.

Anh PHATTRA PHATTRAPRASIT

 

* Ông STEVE URBANSKI (người Mỹ): 

Nhiều người được hưởng hợp đồng vô thời hạn ở Mỹ

steve urbanski

 

Ở Mỹ, người làm trong các ngành liên quan đến dịch vụ dân sự thường được hưởng quy chế hợp đồng không xác định thời hạn. Người được hưởng các hợp đồng này về lý thuyết là không bị ảnh hưởng khi bối cảnh chính trị thay đổi.

Ngoài dịch vụ dân sự, các ngành nghề liên quan đến phục vụ cộng đồng khác như: cảnh sát, cứu hỏa, công nhân viên chức của thành phố hay các quận, hạt cũng thường ký các dạng hợp đồng gần như trọn đời. 

Hợp đồng "vô thời hạn" có thể hiểu là trong trường hợp một cảnh sát nghiện ma túy hay nghiện rượu, cơ quan của anh ta phải có trách nhiệm giúp đỡ anh ta cai nghiện để trở lại cuộc sống bình thường, chứ không thể dễ dàng sa thải người lao động.

Tại Mỹ, để chấm dứt các hành vi gian lận, bất công trong tuyển dụng là một vấn đề nan giải. Chúng tôi có những câu chuyện lặp đi lặp lại về việc ai đó được tuyển vì họ có quan hệ hoặc "biết đúng người cần biết".

Khi được giao trách nhiệm tuyển dụng, chúng ta có trách nhiệm theo đúng chức phận của mình là phải chọn người tốt nhất cho vị trí được tuyển. Người được tuyển dụng phải có khả năng giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. 

Định hướng này sẽ bị méo mó khi người tuyển dụng tuyển bạn bè, người thân, người quen... Vì vậy phải sàng lọc hồ sơ kỹ lưỡng để đảm bảo ứng viên không có bất cứ quan hệ nào với người có quyền tuyển dụng.

Đối với loại hình hợp đồng, khi tôi nộp đơn vào trường đại học làm giảng viên, tôi được biết mình sẽ là giảng viên cơ hữu (hợp đồng vô thời hạn) với chức danh phó giáo sư và một lộ trình rõ ràng từ đầu. Trước tiên, tôi ký hợp đồng từng năm một và có tất cả 6 năm để chứng tỏ khả năng của mình qua các công tác giảng dạy, nghiên cứu và các công việc quản lý khác ở trường.

Chất lượng công việc của tôi được đánh giá sau mỗi năm và vào cuối năm thứ sáu, hội đồng nhà trường sẽ quyết định có trao cho tôi hợp đồng vĩnh viễn hay không. Khi được ký hợp đồng vĩnh viễn, tôi vẫn phải được đánh giá mỗi năm, nhưng lúc này nhà trường khó mà sa thải giáo sư đã có hợp đồng vĩnh viễn.

Trong trường hợp tôi không vượt qua được vòng đánh giá vào cuối năm thứ sáu, tôi sẽ ký thêm hợp đồng một năm (gọi là năm rời đi) và sẽ phải tìm việc làm mới trong thời gian này. Điều này cũng thỉnh thoảng xảy ra với một số người.

Không dễ sa thải người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về"

Tại Thái Lan cũng có những người vào hợp đồng vô thời hạn, nhưng họ chỉ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Những trường hợp này, chúng tôi cũng gặp vấn đề là không thể sa thải họ và đành phải chấp nhận.

Chúng tôi cũng trăn trở tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách hạn chế hợp đồng vô thời hạn (không bổ sung thêm khi có người thuộc biên chế hợp đồng vô thời hạn về hưu), thay vào đó là các hợp đồng 5 năm, 1 năm.

Tuy nhiên, theo tôi, những ai đang làm việc vật vờ trong công sở đã sai khi nghĩ rằng họ có thể không làm mà vẫn được nhận lương. Biểu hiện của họ đều được đồng nghiệp đánh giá. Con đường sự nghiệp của họ một khi chọn làm người vật vờ coi như đã kết thúc.

Theo tôi, đó là cái giá rất đắt mà họ không nhìn thấy liên quan đến uy tín, danh dự nghề nghiệp và sự tự trọng của bản thân.

 

HỒNG VÂN 



Tin tức liên quan

  • Không biết nơi ấy ra sao, vẫn xung phong ra Côn Đảo
  • 17/06/2019 12:46
  • Có phải khi trẻ người ta sẽ sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì xã hội, đất nước cần? Có những người trẻ đã vác balô đi xây dựng Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cả khi chưa biết nơi đó ra sao.

  • Quảng Bình tinh giản hơn 1.100 biên chế trong 1 năm
  • Thứ năm, 22/11/2018 - 07:19
  • Sau 1 năm thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền, công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, đến nay tỉnh Quảng Bình đã giảm 1.100 biên chế.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn