Đề xuất kinh doanh nước sạch là ngành nghề có điều kiện

Thứ tư, 20/11/2019, 11:53 (GMT+7)

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc nhà máy nước sạch sông Đuống của Shark Liên (Đỗ Thị Kim Liên) được bán cho nhà đầu tư Thái Lan có thể ảnh hưởng

Tại phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhắc tới vụ chuyển nhượng 34% vốn tại dự án nước sạch sông Đuống do tư nhân đầu tư cho tỷ phú Thái Lan.

"Một nhà máy hàng ngày cung cấp nước cho mấy triệu người dân mà chúng ta không biết ông chủ thực sự là ai hoặc để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm", ông nói.

Ông cũng lo ngại trường hợp xảy ra xung đột, ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở thiên đường thuế, vốn chỉ vài nghìn USD. 

Vì thế, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước.

 Ông Trương Trọng Nghĩa - đoàn đại biểu TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

 Ông Trương Trọng Nghĩa - đoàn đại biểu TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch nhưng ông Trương Trọng Nghĩa cho biết, một số quốc gia đã hạn chế việc chuyển nhượng vốn tại các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia và Việt Nam có thể "thiết kế công cụ tương tự".

"Cấm hay hạn chế như thế nào thì do Chính phủ đề xuất, nhưng những ngành liên quan đến an ninh quốc gia, sức khoẻ của người dân thì phải có những điều kiện trong xây dựng, chuyển nhượng, kinh doanh", ông Nghĩa nhấn mạnh. 

Sau khi Công ty WHA Utilities & Power của Thái Lan mua 34 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Công ty Nước mặt sông Đuống, HĐQT và Ban kiểm soát công ty này xuất hiện 4 nhân sự người Thái. Bà Đỗ Thị Kim Liên hiện đã rời ghế tổng giám đốc nhưng vẫn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Nước mặt sông Đuống.

Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đỗ Ngọc Thịnh và Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đồng tình, kinh doanh cấp nước sạch cần chịu sự kiểm soát của Nhà nước để tránh bất an trong xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam dẫn lại câu chuyện vừa xảy ra khi kẻ xấu đổ dầu thải vào nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp, đã ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân Thủ đô, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước... Việc cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước cách đây vài chục năm lặp lại gây bất bình trong dự luận khiến bà đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch phải rà soát chặt chẽ và được luật hoá. 

"Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố", Chủ tịch Hội chữ thập đỏ nói. 

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện cũng lo ngại thông tin "người Thái nắm quyền kiểm soát nhà máy nước sông Đuống". Ông lưu ý, cần xem xét việc rót vốn của các nhà đầu tư ngoại và các dự án kinh doanh nước sạch có thực sự là để phục vụ nhân dân hay chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, rồi sau đó đẩy rủi ro cho người khác. 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện  nhưng lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, ông Bình nói, đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.

Cũng tại buổi thảo luận, ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất cần chứng minh nguồn vốn của nhà đầu tư bất động sản, viễn thông, sân bay..., trường hợp phát hiện nguồn vốn bất hợp pháp sẽ bị tịch thu. Quy định này, theo ông, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về kiểm soát chặt chẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Anh Minh



Tin tức liên quan

  • Vũ trường, quán karaoke phải đóng cửa trước 2 giờ sáng
  • Thứ ba, 02/10/2018 - 14:09
  • Đây là một trong những nội dung mới có trong Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan.

  • Doanh nghiệp gas lại kêu khó
  • Thứ sáu, 19/10/2018, 15:28 (GMT+7)
  • Quy định buộc phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG được các doanh nghiệp cho rằng thiếu khả thi sau một thời gian áp dụng.

  • Việt Nam có nhiều ngành nghề nhất thế giới!
  • Thứ tư, 06/06/2018 - 08:11
  • "Không có nơi nào trên thế giới có hệ thống ngành nghề nhiều như ở Việt Nam với 366 ngành nghề đào tạo hệ Đại học (ĐH), 400 ngành Cao đẳng (CĐ) và 800 ngành Trung cấp (TC), nhưng ngược lại thất nghiệp cũng đang dẫn đầu".


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn