Đề xuất Quốc hội ra nghị quyết xử lý 'vấn đề cấp bách về đất đai'

Thứ tư, 10/4/2019, 12:20 (GMT+7)

Quốc hội dự kiến xem xét sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2019, song Chính phủ xin lùi tiến độ để nghiên cứu kỹ hơn. - VnExpress

Sáng 10/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 hai dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Theo ông Long, Chính phủ cần thêm thời gian "nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn một số nội dung chính sách về đất đai" và đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá toàn diện các quy định của Luật hiện hành, đưa ra định hướng sửa đổi, trình Chính phủ sau năm 2020.

Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ vì cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 mới có hiệu lực thi hành hơn 4 năm, trong khi đất đai là vấn đề phức tạp, cần thêm thời gian để đánh giá thận trọng.

"Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cơ quan này cũng thống nhất việc đưa dự án Luật ra khỏi chương trình năm 2019. Tuy nhiên, ông cho hay gần đây, trong báo cáo gửi Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị, Chính phủ đã kiến nghị nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai; do đó, Chính phủ cần xác định rõ tiến độ trình Quốc hội dự án Luật này trong năm 2020.

Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì đề nghị cân nhắc việc lùi sửa đổi Luật Đất đai, với lý do thời gian qua có nhiều vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được tháo gỡ. Lãnh đạo cơ quan này nói, trường hợp vẫn đưa dự án Luật ra khỏi chương trình năm 2019, "đề nghị giao Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý những vướng mắc hiện nay".

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển, tuy nhiên, đây là nội dung rất phức tạp. "Vừa rồi chúng tôi đi giám sát thấy nhiều vấn đề nổi lên, nếu chúng ta không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng mà sửa ngay, có thể nảy sinh những khó khăn mới", ông Hiển nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu băn khoăn, Chính phủ đề nghị lùi nhưng không nói "lùi tới đâu?". "Tôi thống nhất lùi đến hết năm 2019, nhưng không phải lùi vô thời hạn mà phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật hiện hành, đưa vào chương trình năm 2020 để sửa đổi", bà Ngân nói.

Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với 6 chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 gồm 7 chương, 89 điều. Năm 2003, Luật lại được sửa đổi, bổ sung với 7 chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.



Tin tức liên quan

  • Nguồn thu từ đất đai tăng 3-4 lần, nên mừng hay lo?
  • 01/03/2022 05:00
  • Nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tại các địa phương những năm qua tăng lên nhanh chóng và hiện đã chiếm 15 - 16% tổng thu ngân sách.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn