Doanh nghiệp nước ngoài nói gì về Luật An ninh mạng của Việt Nam?

Thứ tư, 04/07/2018 - 09:38

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện diễn ra sáng nay (4/7), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã có đóng góp ý kiến về Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua mới đây.

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại

Theo ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Luật An ninh mạng mới được thông qua là đặc biệt, bởi bên cạnh các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường mạng, dự luật này cũng bao gồm cả việc kiểm soát thông tin trên internet mà nội dung này đã được quy định tại một Luật khác của Việt Nam.

"AmCham ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng cường phát triển nền kinh tế số và môi trường internet trong khi đó vẫn đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người dùng internet Việt Nam. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra một khung pháp lý về an ninh mạng", ông Michael Kelly cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Amcham, các công ty thành viên của Amcham đặc biệt lo ngại về yêu cầu phải có văn phòng đại diện, các quy định liên quan đến dữ liệu người dùng và việc lưu trữ dữ liệu tại nước sở tại cũng như một loạt những cản trở gây tốn kém không cần thiết khác sẽ làm tổn thương doanh nghiệp mà không hề giúp cải thiện môi trường an ninh mạng tại Việt Nam.

"Các công ty thành viên của chúng tôi hoạt động trên toàn cầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các mối nguy cơ về an ninh mạng của các nước. Chính vì mạng lưới hoạt động trải rộng như vậy đã giúp các công ty của chúng tôi thấu hiểu để từ đó có cách tiếp cận về an ninh mạng một cách hiệu quả ở cấp độ quốc gia", đại diện Amcham cho hay.

Đồng thời, khẳng định: "Các công ty của chúng tôi muốn giúp Việt Nam phát triển một môi trường pháp lý thể chế cho nền kinh tế số trong đó bao gồm các nguyên lý về việc tự do truyền tải dữ liệu xuyên biên giới, các chính sách hỗ trợ phát triển, khuyến khích công nghệ mới/công nghệ còn non trẻ nhằm kiến tạo một sân chơi bình đẳng cho các thành viên tham gia thị trường".

"Chưa được xem là thông lệ tốt"?

Đánh giá về Luật An ninh mạng, Nhóm Công tác Đầu tư & Thương mại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một số điều khoản trong Luật An ninh mạng – đặc biệt là điều khoản về nội địa hóa dữ liệu– sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hiện tại của nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, và sẽ sớm ngăn chặn sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể, Khoản 3 Điều 26 của Luật An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

"Bản chất của các quy định bắt buộc về nội địa hóa dữ liệu là hạn chế khả năng tiếp cận các công cụ cần thiết của doanh nghiệp Việt Nam để giảm chi phí CNTT, đổi mới sáng tạo và gia tăng quy mô nhanh chóng. Các chính sách nội địa hóa dữ liệu đã được chứng minh là làm giảm đầu tư từ nước ngoài vào do các doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí bổ sung để mua thiết bị máy chủ tại địa phương", nhóm công tác nhận định.

Theo đó, nhóm công tác cho rằng, áp dụng các quy định về nội địa hóa giữ liệu chưa bao giờ được xem là một thông lệ tốt. Rất nhiều quốc gia có các ngoại lệ mà theo đó thông tin qu an trọng với anh ninh quốc gia phải được lưu giữ trong nước, và Việt Nam có thể xem xét áp dụng các quy định tương tự. Tuy nhiên, các yêu cầu này không nên bao gồm bất cứ điều gì vượt quá các vấn đề quan trọng về an ninh quốc gia, điều được quy định vô cùng giới hạn ở các quốc gia khác.

Theo nhóm công tác của VBF, với việc Luật An ninh mạng được thông qua, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN có quy định về nội địa hóa dữ liệu. Chính phủ Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines không có bất kỳ hạn chế về nội địa hóa dữ liệu nào.

"Indonesia là quốc gia duy nhất trong khu vực hiện đang có quy định về nội địa hóa dữ liệu. Tuy nhiên, chính sách vào năm 2012 này đã gây nhiều rối loạn cho nền kinh tế kỹ thuật số và khó thực thi đến mức Indonesia đã phải soạn dự thảo sửa đổi quy định trong năm nay (2018) để chỉ có dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia và tình báo mới phải lưu trữ trong nước. Quy định sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay", báo cáo cho hay.

Phương Dung



Tin tức liên quan

  • Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Quản lý chặt thông tin trên mạng xã hội
  • Thứ hai, 09/07/2018 - 16:25
  • Ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - vừa yêu cầu các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng.

  • Mạng hải quan tê liệt, doanh nghiệp chật vật lấy hàng
  • 04/07/2018 20:08 GMT+7
  • TTO - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics ở khu vực TP.HCM cho biết đến cuối ngày 4-7, họ vẫn chưa thể làm thủ tục lấy hàng ra khỏi cảng vì sự cố lỗi đường truyền mạng của cơ quan hải quan.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn