Dõi theo sinh viên ra trường

25/11/2020 09:36

Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một hệ thống để thống kê, theo dõi thông tin của sinh viên đã tốt nghiệp một cách chuyên nghiệp.

Dõi theo sinh viên ra trường - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: NGỌC DIỆP

Các doanh nghiệp thống nhất với nhau nếu sinh viên không khai báo trên hệ thống thì họ sẽ không tuyển dụng, nên sinh viên sẽ khai thông tin tự nguyện.

Ông Nguyễn Hoàng Dương

Sinh viên ra trường có việc làm hay không, làm ở đâu, được doanh nghiệp đánh giá thế nào là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng với ngành giáo dục. Ngoài ra, thời gian để các trường theo dõi thông tin của cựu sinh viên rất ngắn ngủi. 

Bà Đỗ Hải Yến, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết: "Ngay khi sinh viên tốt nghiệp chúng tôi cung cấp mã QR Code để sinh viên tải được form khảo sát và điền thông tin. Tuy nhiên, với cách này chúng tôi cũng chỉ theo dõi thông tin của sinh viên tối đa trong vòng một năm thôi".

Vòng tròn kết nối

Để thay đổi điều này, đã có một dự án "Theo dõi xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam" (viết tắt là MOTIVE) do Quỹ Eramus của Liên minh châu Âu tài trợ kinh phí, do tổ chức liên kết các trường ĐH Almalaurea của Ý giữ vai trò điều phối viên ở châu Âu, Trường ĐH Hà Nội là điều phối viên quốc gia tại Việt Nam.

Hệ thống này sẽ tạo thành một vòng tròn kết nối nhà trường, sinh viên với doanh nghiệp. Ngay từ khi sinh viên ngồi trên ghế nhà trường họ đã được trường khảo sát, đặc biệt khi tốt nghiệp họ sẽ phải điền phiếu khảo sát một cách kỹ lưỡng. Tất cả những thông tin này đều đã được phòng đào tạo kiểm chứng. Khi doanh nghiệp tham gia hệ thống này họ sẽ biết mình cần chọn sinh viên nào. Doanh nghiệp sẽ có phản hồi về chất lượng của sinh viên với trường, chia sẻ về nhu cầu lao động, từ đó trường điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.

Bà Đặng Thị Phương Thảo, giám đốc Trung tâm ngôn ngữ - văn hóa Ý và phát triển hợp tác (Trường ĐH Hà Nội), điều phối viên quốc gia của dự án, cho biết: "Hệ thống dữ liệu này giúp Bộ GD-ĐT đánh giá được xu hướng lao động, nhu cầu lao động của thị trường, đánh giá ngành nghề nào được xã hội cần hơn, so sánh chất lượng đào tạo giữa các trường, từ đó đề ra chỉ tiêu cho các trường chính xác hơn. Có thể coi đây là công cụ quan trọng trong kiểm định chất lượng ĐH ở Việt Nam".

Khớp cung với cầu

Hiện đã có 11 trường ĐH ở Việt Nam tham gia dự án MOTIVE. Dự án đang trong giai đoạn đào tạo nhân sự, thiết lập hệ thống máy móc cho các trường. Ông Nguyễn Hoàng Dương, phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Trường ĐH Hà Nội), cho biết bảng hỏi dành cho sinh viên do dự án thiết kế rất chi tiết, đòi hỏi người khai sẽ phải cung cấp nhiều thông tin mang tính cá nhân, đơn cử như hoàn cảnh gia đình, bố mẹ làm gì, ước mơ sau này...

Việc sinh viên khai chi tiết sẽ giúp hệ thống đưa họ đến gặp đúng doanh nghiệp có nhu cầu. Có thể tưởng tượng cách này giống với cách quảng cáo đến từng đối tượng của các trang mạng xã hội hiện nay. Vì hệ thống này là một vòng tròn kết nối, tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia nên đòi hỏi tính cam kết của tất cả các bên, đặc biệt là sinh viên.

Bộ GD-ĐT có quyền yêu cầu các trường phải có thống kê việc làm của sinh viên sau khi ra trường buộc các trường sẽ phải yêu cầu sinh viên khai hồ sơ. Khi sinh viên biết các doanh nghiệp tham gia hệ thống này và sẽ đọc các hồ sơ của họ, sinh viên sẽ có trách nhiệm khai chuẩn xác và cập nhật thông tin thường xuyên. Theo cán bộ dự án thì năm thứ ba các trường sẽ khảo sát sinh viên và đặc biệt quan tâm khảo sát vào năm cuối.

Ông Bùi Văn Linh (vụ trưởng Vụ Công tác chính trị học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT):

Kênh thông tin quan trọng

Vụ Công tác chính trị học sinh sinh viên xác định kết quả đầu ra của dự án sẽ là một kênh tham mưu quan trọng đối với việc tham mưu xây dựng các chính sách, đặc biệt là đối với công tác thống kê số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, xây dựng kênh thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu xây dựng các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu đối với sinh viên nhằm cải thiện vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

NGỌC DIỆP



Tin tức liên quan

  • Thao thức giữ hồn dân tộc trong sinh viên
  • 23/03/2021 08:50
  • Lâm Thanh Minh có gần 6 năm làm bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Anh thầy giáo này được nhắc đến là một trong những thủ lĩnh tìm tòi, đưa âm nhạc dân tộc đến gần với sinh viên.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn