Dùng túi vải thay túi nilông, cớ sao bạn chưa làm?

03/04/2019 08:58

Mỗi người tự trang bị cho mình những túi vải chứa đồ mình cần mua, thay vì mang về nhà cả đống túi nilông rồi xả rác khắp nơi. Chuyện ai cũng làm được, cớ sao bạn chưa làm?

Dùng túi vải thay túi nilông, cớ sao bạn chưa làm? - Ảnh 1.

Sử dụng túi vải, giấy ở một siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: TTO

Tôi biết việc tôi làm còn rất khác lạ trong mắt nhiều người. Nhưng tôi tin còn có nhiều, rất nhiều người khác đã và đang âm thầm nói không với rác thải nhựa bằng cách này hoặc cách khác. Chuyện này sẽ tỏa rộng hơn, mỗi ngày

 

Một lần ghé tiệm thuốc đông y ở ngã ba cầu Long Chánh (TX Gò Công) mua hai hộp thuốc, người bán đưa cho tôi một túi nhựa đen, bên trong là hai hộp thuốc. Tôi nhận hai hộp thuốc và trả lại cái túi. Người bán thuốc (gần 70 tuổi) rất ngạc nhiên, rồi ông đưa ngón tay cái lên, vui vẻ nói: "Anh là người yêu nước!". Tôi cười: "Yêu cả thế giới chứ anh!". Ông chủ gật gù: "Ừ, yêu cả thế giới!".

Sử dụng túi giấy, túi vải thay túi nilông tại siêu thị ở TP.HCM nhằm bảo vệ môi trường - Ảnh: T.L.Lúc đó, một anh tầm 50 tuổi, ăn mặc như công chức hỏi mua hai chai dầu xoa bóp. Hai chai dầu nhỏ, có thể cho ngay vào túi quần nhưng ông khách không chịu và yêu cầu tới hai túi nilông.

 Anh nói: "Túi bở rệt, hôm rồi mua chai thuốc ở đây, bỏ vô túi treo ở móc trước xe, về nhà còn cái túi không, túi rách đáy". Xoắn bốn quai của hai túi nhựa đựng hai chai dầu, ông khách cẩn thận treo vào móc bên hông chiếc xe tay ga, không quên gửi lại tôi ánh mắt lạ lùng.

Đây không phải lần đầu tôi bị nhìn lạ kiểu này, có người còn mỉa mai khi thấy tôi từ chối không nhận túi nilông. Tôi đã làm việc này từ lâu lắm rồi. Một đêm gần 30 năm trước, con tôi từng bị phỏng nhựa nóng chảy do trẻ em xóm tôi đốt túi nhựa làm đèn chơi trung thu.

Lần nào mua những món hàng có hạt rời như đường, đậu, tiêu... hoặc đinh ốc, vôi, ximăng... bằng túi nilông thì khi để ra đều bị rơi vãi, thất thoát, dơ bẩn. Con cá tai tượng tôi nuôi hàng chục năm to như cái mo cau bỗng một hôm biến mất, hóa ra nó bị chết sình trong túi nhựa kẹt dưới góc ngầm của hòn non bộ trước nhà.

Trước nhà tôi là đường tỉnh, tôi lại trồng hai cây sanh mát rượi sát lề đường, ngày nào cũng có vài ba túi nhựa bên trong đựng ly nhựa, ống hút, hộp xốp đựng cơm, chai nước uống... của những người đứng dưới bóng cây chờ đón xe vứt bỏ lại tại chỗ. Đương nhiên tôi luôn đi nhặt và đốt nếu không sẽ thành đống rác nilông trước ngõ, túi sẽ bay vào sân và tung tóe trên mặt đường.

Tất cả những điều đó làm cho tôi càng có ấn tượng xấu với túi nhựa. Khổ nỗi, bây giờ lá chuối, lá sen, giấy dầu, giấy báo chỉ còn trong ký ức, các loại bao bì thân thiện môi trường còn quá ít. Cả làng, cả nước và cả nhân loại đều chỉ thấy quanh mình các loại bao bì bằng nhựa, có ghét đến đâu tôi cũng phải cắn răng sống chung với nó. Chỉ là hạn chế nó được tới đâu hay tới đó, và hi vọng...

Dùng túi vải thay túi nilông, cớ sao bạn chưa làm? - Ảnh 3.

Một quán nước ở TP Đà Nẵng sử dụng ống làm bằng tre thay cho ống hút nhựa - Ảnh: HỮU KHÁ

Trên sườn ngang xe đạp thể dục của tôi có treo hai chiếc túi vải nhỏ. Đó là cách "chống" túi nhựa theo kiểu riêng của tôi. Nhiều người bán tạp hóa, trái cây ở gần nơi tôi sinh sống đều đã quen với việc tôi trả lại túi nhựa khi mua hàng. Trừ một vài trường hợp đột xuất, lỡ đường, không chuẩn bị trước thì tôi mới lấy túi nhựa và khi về thì phải xử lý ngay.

Có hôm tôi mua 100g đinh loại 2 phân (2cm), người bán cân xong đổ ngay vào túi nhựa. Tôi vẫn từ chối bằng cách lấy từ túi treo xe đạp ra một túi vải rút (vốn của con tôi đựng bình nước giữ nhiệt bỏ ra) đổ đinh vào đó. Chủ cửa hàng nhìn tôi lắc đầu cười. Tôi biết việc tôi làm còn rất khác lạ trong mắt nhiều người. Nhưng tôi tin còn có nhiều, rất nhiều người khác đã và đang âm thầm nói không với rác thải nhựa nói chung bằng cách này hoặc cách khác. Chuyện nói không với rác thải nhựa sẽ tỏa rộng hơn.

Chẳng phải nhiều nơi người ta đã quay lại "những ngày xưa thân ái" với mớ cây cải, lọn hành, ký giá, miếng đậu hủ bó trong lá chuối, lá sen; đường, đậu đựng bằng túi giấy dầu; nước uống đựng bằng chai thủy tinh; mua nước mía mang theo bình nóng lạnh, ống hút bằng bột ăn được hoặc bằng ống tre, trúc, cỏ bàng, inox... đó sao? "Một con én không làm nên mùa xuân", đó là cách người ta nói về những người chọn cách làm như tôi. Nhiều "con én" như tôi cũng chưa thể thay đổi mọi thứ ngay được. Nhưng tác hại từ rác thải nhựa thì hàng tỉ người đã hiểu, đã thấy.

"Vạn sự khởi đầu nan", những ai yêu quý, gìn giữ môi trường sống của mình thì sẽ thay đổi dần. Mỗi người cùng thay đổi sẽ thành thay đổi lớn, như những "cánh én" cùng làm nên "mùa xuân".

Rác từ khẩu trang

Không khí ô nhiễm, thay vì đeo khẩu trang vải như trước, giờ nhiều người chuyển sang dùng khẩu trang dùng một lần rồi bỏ. Nhiều loại bán ngoài đường, nguồn gốc sản xuất không rõ, càng không có cơ sở để biết rõ về tác dụng lọc bụi, đặc biệt bụi mịn.

Khẩu trang dùng một lần được chọn vì tiện dụng, mua xong đeo ngay và cảm giác an toàn hơn so với việc đeo ngay một khẩu trang vải vừa mua. Đeo khẩu trang dùng một lần, với nhiều người còn có vẻ... hiện đại và không phải giặt. Nhưng nếu bạn đã từng dùng các loại khẩu trang gọi là khẩu trang y tế, hẳn bạn nhận thấy chúng không ôm sát mặt nên chúng không thể giúp phòng tránh nguy cơ hít phải các loại virút và ô nhiễm không khí.

Và còn một điều khác ít người quan tâm, đó là lượng rác thải rất lớn từ thói quen dùng một lần rồi bỏ này. Thử làm một phép tính đơn giản: chỉ cần 1/10 dân số Hà Nội hay TP.HCM dùng khẩu trang này hằng ngày sẽ thấy ngay con số hàng triệu khẩu trang sẽ ra bãi rác mỗi ngày.

Chọn khẩu trang có thể tái sử dụng cũng là cách góp phần giảm xả rác. Hiện thị trường có các loại khẩu trang than hoạt tính, có van điều tiết không khí giúp ngăn ngừa bụi bẩn thâm nhập vào đường hô hấp.

Có những loại khẩu trang có thể sử dụng nhiều ngày; có loại được khuyến cáo sử dụng tối đa 2 tháng, giặt nhẹ với nước thường, không vò sau 3-5 ngày sử dụng; có loại có thể giặt vỏ ngoài và sử dụng liên tục trong vòng 6 tháng. Những loại này giá hơi cao.

Để tiết kiệm hơn, dùng khẩu trang vải giặt sạch cũng là cách tiết kiệm tiền và giảm xả rác. Chuyện nhỏ, dễ làm, và chúng ta từng làm đó thôi.

NGỌC LƯU

LÊ MINH HOÀNG (Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)



Tin tức liên quan

  • Gần 1.000 tấn cá bè đã chết trên sông La Ngà
  • Thứ Ba, ngày 21/5/2019 - 16:09
  • (PLO)- Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng địa phương, tổng sản lượng cá chết tại các bè cá trên sông La Ngà đến nay đã lên đến gần 1.000 tấn.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn