Gần 1.000 tấn cá bè đã chết trên sông La Ngà

Thứ Ba, ngày 21/5/2019 - 16:09

(PLO)- Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng địa phương, tổng sản lượng cá chết tại các bè cá trên sông La Ngà đến nay đã lên đến gần 1.000 tấn.

Cụ thể, xã La Ngà có 40 hộ bị thiệt hại tổng cộng gần 428 tấn cá; xã Phú Ngọc có 41 hộ thiệt hại 548,5 tấn cá. Cá chết chủ yếu là cá chép, cá lăng, cá diêu hồng, cá mè... Trong đó, nhiều hộ có cá chết đều là cá lớn gần đến kỳ thu hoạch nên thiệt hại nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

UBND huyện Định Quán cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết.

Theo các hộ nuôi cá trên sông, sau cơn mưa lớn kéo dài từ tối 15-5 đến rạng sáng 16-5, cá nuôi ở hàng trăm lồng bè của họ có dấu hiệu lạ rồi nhanh chóng nổi đầu, ngửa bụng chết hàng loạt. Phát hiện cá chết bất thường, các hộ nuôi cá đã thực hiện nhiều biện pháp như: Mở máy sục khí oxy; cắt thả lồng bè trôi về phía hạ nguồn cầu La Ngà… nhưng lượng cá chết vẫn tăng, lên tới hàng chục tấn.

Gần 1.000 tấn cá bè đã chết trên sông La Ngà - ảnh 1
Gần 1.000 tấn cá chết trên sông La Ngà mấy ngày qua. Ảnh: VH. 

Trong ngày Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã phối hợp với huyện Định Quán khảo sát, lấy mẫu nước, cá chết đưa đi xét nghiệm phân tích nguyên nhân. Cán bộ huyện và xã cũng đang thống kê mức độ thiệt hại.

Sau khi nắm thông tin vụ việc, ngày 18-5 Bộ TN&MT có văn bản số đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ nhằm sớm khắc phục tình trạng này.

Theo đó, Bộ đề nghị Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại của các hộ dân nuôi lồng bè; hướng dẫn người dân thu gom, bảo quản số cá đã chết, vệ sinh môi trường nuôi cá lồng bè; lấy mẫu phân tích xác định nguyên nhân cá chết; tổ chức tiêu hủy tránh gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, không khí và lan truyền dịch bệnh do cá chết phân hủy.

Lấy mẫu nước mặt sông La Ngà (hồ Trị An) để đánh giá mức độ ô nhiễm; rà soát các nguồn thải chính thải ra sông La Ngà, ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Xây dựng và tổ chức thực hiện ngay phương án xác định nguyên nhân cá chết, nhất là hiện tượng lặp lại hàng năm

Ngoài ra, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để thực hiện các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Được biết, vào cùng thời điểm này năm ngoái, chỉ sau một cơn mưa lớn, gần hai ngàn tấn cá các loại của người dân đã đồng loạt nổi lên chết trắng. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết do thiên tai và UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã hỗ trợ 129 hộ dân bị thiệt hại với số tiền trên 12 tỉ đồng.

VŨ HỘI



Tin tức liên quan

  • TP.HCM quyết tâm cải thiện môi trường các kênh, rạch
  • Thứ Tư, ngày 3/7/2019 - 08:00
  • (PLO)-Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng… là những cách cơ quan chức năng đang làm để cải thiện các tuyến kênh rạch ở TP.HCM.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn