Giá trang thiết bị y tế: Công khai một đằng, bán một nẻo

13/08/2021 10:30

Tình trạng 'công khai một giá, bán một giá' xảy ra với rất nhiều loại thiết bị, vật tư. Có vật tư giá trị thấp chênh lệch chỉ vài chục ngàn nhưng các sản phẩm giá trị cao thì chênh lệch từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Giá trang thiết bị y tế: Công khai một đằng, bán một nẻo - Ảnh 1.

Nhiều vật tư y tế bị nâng giá trong những ngày qua - Ảnh: DUYÊN PHAN

Máy thở model MV2000 EVO5 do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế An Sinh nhập khẩu chào giá công khai 455 triệu/chiếc, giá bán thực tế (đã có lãi) của nhà phân phối chỉ 425 triệu, nhưng giá trên Cổng công khai y tế của Bộ Y tế - nơi để các đơn vị có nhu cầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế tham khảo giá - thì lên tới 960 triệu đồng.

Tối 11-8, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Công ty An Sinh rà soát và có báo cáo giải trình khi giá "công khai" cao hơn giá chào bán 210%, so với giá bán thực còn cao hơn nữa. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên giá trên cổng công khai bị kêu là cao, thậm chí theo tìm hiểu của chúng tôi, có hàng loạt sản phẩm có tình trạng tương tự, tức là công khai một đằng nhưng bán một nẻo.

Giá công khai quá cao

Một tháng trước, khi dịch COVID-19 mới bắt đầu căng thẳng tại tỉnh Bình Dương, nhu cầu xét nghiệm lên cao, một vị đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết khi tìm hiểu giá test nhanh trên Cổng công khai giá trang thiết bị của Bộ Y tế thì thấy quá cao và rất khó xác định mức giá thực khi đấu thầu. 

"Trong khi các doanh nghiệp muốn vào chào bán test nhanh thì thấp hơn giá trên cổng công khai rất nhiều" - vị này chia sẻ.

Theo tìm hiểu, tình trạng công khai một giá bán một giá xảy ra với rất nhiều loại thiết bị, vật tư. Những vật tư giá trị thấp thì chênh lệch giữa giá công khai và giá bán thực chỉ vài chục ngàn, nhưng sản phẩm giá trị cao thì chênh lệch từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. 

Một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị y tế cho biết loại máy thở dòng cao hiệu Air... có giá bán thực tế chỉ 130 triệu đồng nhưng công khai giá 195 triệu; máy thở Ast... có mức bán 210 - 220 triệu/chiếc tùy phụ kiện, nhưng giá công khai gần 300 triệu; máy Stel... giá 110 - 120 triệu, còn giá công khai khoảng 160 triệu đồng.

Với các loại test nhanh xét nghiệm COVID-19, loại sản phẩm giá công khai 160.000 - 198.000 đồng/kit thì giá bán lẻ chỉ 150.000 - 170.000 đồng, giá sỉ là 130.000 đồng, nếu mua số lượng nhiều giá còn thấp hơn nữa. Do thị trường có muôn vàn sản phẩm test nhanh khác nhau, người có nhu cầu khó biết đâu là giá thực hay mua giá nào mới đúng.

Công ty An Sinh nói gì?

Ngày 12-8, ông Nguyễn Tăng Hòa - tổng giám đốc Công ty An Sinh - cho biết vừa có báo cáo giải trình gửi Bộ Y tế liên quan đến thông tin máy thở giá 455 triệu đồng nhưng kê khai trên cổng công khai y tế lên 960 triệu đồng. Theo ông Hòa, sau khi nhận được yêu cầu làm rõ từ Bộ Y tế, đơn vị đã làm rõ nội dung liên quan. 

"Chúng tôi nhận thấy đây là một hiểu lầm đáng tiếc" - ông Hòa nói.

Sự "đáng tiếc" này, theo ông Hòa giải thích, là dù cùng một model (dòng hoặc loại) máy thở MV2000 EVO5 nhưng cấu hình (phần mềm, phần cứng) rất khác nhau. 

Cụ thể, máy thở MV2000 EVO5 mà đơn vị công khai giá là loại máy có cấu hình hiện đại nhất hiện nay, đủ hết chức năng của một loại máy cao cấp với model thở cao tần HF0V, bộ đo khí mê EtCO2, cảm biến Sp02, máy nén khí rời... 

Ngoài ra còn một số yếu tố liên quan khác và hiện đơn vị chưa bán một máy thở nào có cấu hình cao cấp với giá 960.500.000 đồng nêu trên.

"Với cấu hình hiện đại như trên thì giá bán kê khai 960.500.000 đồng được công khai hoàn toàn chính xác, không có chuyện thổi giá, nâng khống. Thậm chí một số hãng G7 còn bán giá cao hơn giá mà công ty niêm yết" - ông Hòa nói.

Vấn đề đặt ra là tại sao đơn vị không khai báo giá của cấu hình tiêu chuẩn? Ông Hòa cho hay nếu khai cấu hình tiêu chuẩn chắc chắn khi bán cấu hình cao đơn vị sẽ trượt thầu. Tuy nhiên, sau vụ việc, đơn vị đã cập nhật lại giá theo cấu hình tiêu chuẩn để tránh gây hiểu nhầm. 

Ông giải thích thêm hiện cổng thông tin điện tử https://congkhaiyte.moh.gov.vn của Bộ Y tế chỉ có một trường khai báo dữ liệu, tức mỗi model chỉ khai một giá, nếu thêm nhiều cấu hình phải tạo ra rất nhiều model với các ghi chú khác nhau và thực tế không có chỗ nào để khai.

Trong văn bản gửi Bộ Y tế, ông Hòa cho biết đơn vị có đề nghị điều chỉnh trên hệ thống cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp có phương án kê khai giá đầy đủ, chi tiết nhất nhằm tránh gây hiểu nhầm.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cổng công khai giá trang thiết bị y tế ra đời từ tháng 9-2020, được xây dựng theo hướng giao cho các doanh nghiệp tự công bố mức giá. Năm 2020 là năm xuất hiện nhiều xìcăng đan, nhiều vụ án mua sắm trang thiết bị dẫn đến buộc phải có một "cổng" công bố giá trang thiết bị, tương tự như giá thuốc đã làm từ lâu.

Việc có cổng công khai giá là một cải tiến. Nhưng có cổng công khai giá rồi mà vẫn không biết đâu là giá thực cho thấy vẫn có những vướng mắc trong cơ chế hậu kiểm sau khi doanh nghiệp cung cấp giá bán của mình lên cổng này. 

Đành rằng giá trên cổng công khai là giá dự kiến nhưng cũng không thể quá cao so với giá bán thực tế, nhất là khi nó được coi là cơ sở, là nơi tham khảo giá để mua sắm thiết bị y tế - một thị trường trị giá nhiều ngàn tỉ đồng nhưng nhiều đặc thù, khó xác định giá chính xác.

Sau khi có thông tin về loại máy thở bị đẩy giá quá cao trên cổng công khai giá, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn đã có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp, kinh doanh trang thiết bị y tế nghiêm túc rà soát, công khai minh bạch về giá thiết bị y tế trên cổng công khai thiết bị, chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác của các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định.

"Trường hợp có biến động về giá do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị chủ động cập nhật và chịu trách nhiệm" - văn bản cho biết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cơ chế hậu kiểm về giá công bố của cơ quan quản lý nhà nước.

Lo ngại vật tư y tế giả

Ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết hầu hết những trường hợp lây nhiễm COVID-19 cho cán bộ y tế trong chăm sóc và điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều loại khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ cho y, bác sĩ làm việc trong vùng dịch là đồ dỏm. Hiện tại khẩu trang 3M model 1860 đang hết sạch hàng, cuối tháng 8 mới có thể cung cấp nhưng thị trường đồ dỏm thì muốn mua bao nhiêu cũng có với giá bán bằng 1/3 so với đồ thật.

Đây chính là nguồn cơn nhiều đoàn thiện nguyện khi tìm mua để tặng y bác sĩ chống dịch đã mua nhầm.

Với trang phục bảo hộ, giá bộ bảo hộ cấp 4 loại 4 món luôn trên 100.000 đồng, nhưng đồ dỏm chỉ 50.000 đồng/bộ - là hàng Trung Quốc về tháo mác, vỏ, lắp ghép giả là hàng Việt Nam nhưng các đường may lộ chỉ.

"Dù như vậy cũng rất khó phân biệt, phải người lành nghề nhìn vải mới phân biệt được" - đơn vị cung cấp trang phục y tế than thở.

LAN ANH - HOÀNG LỘC



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn