Gián đoạn quá 12 tháng có được cộng nối thời gian công tác?

Thứ sáu, 09/03/2018 - 07:31

Theo quy định, đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Bị gián đoạn công tác, có được cộng nối thời... Tự xin nghỉ việc, có được cộng nối thời gian... Có được hoàn trả tiền trợ cấp để cộng nối...

Ông Huỳnh Văn Đức (Tiền Giang) có thời gian công tác tại tỉnh Tiền Giang như sau:

- Tháng 2/1980 đến 9/1984: Giáo viên dạy lớp Trường Phổ thông cơ sở Mỹ Phước, huyện Châu Thành.

- Tháng 9/1984 đến 9/1990: Hiệu phó trường phổ thông cơ sở Mỹ Phước, huyện Châu Thành.

- Tháng10/1991 đến 9/1993: Trưởng ban Thư ký HĐND xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành.

- Tháng 10/1993 đến 7/1994: Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành.

- Tháng 8/1994 đến 8/1995: Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành.

- Tháng 9/1995 đến 2/2001: Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Phó Trưởng ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập, huyện Tân Phước.

- Tháng 3/2001 đến nay: Phó Bí Thư Đảng ủy xã Phước Lập, huyện Tân Phước.

Thời gian công tác từ tháng 2/1980 đến 9/1990 ông Đức đã nhận trợ cấp 1 lần nên hiện quá trình tham gia BHXH của ông chỉ được tính từ tháng 3/2001 đến nay. Trong suốt quá trình công tác, ông Đức luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bị thi hành kỷ luật. Mốc thời gian từ tháng 10/1991 đến tháng 2/2001, ông chưa hưởng chế độ thôi việc, trợ cấp một lần.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân , ông Đức đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, từ năm 1991 đến tháng 2/2001 với các chức vụ nêu trên thì thời gian nào ông được tính cộng nối để hưởng BHXH?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Ông Huỳnh Văn Đức có quá trình công tác từ tháng 10/1991 đến tháng 9/1993 là Trưởng ban Thư ký Hội đồng nhân dân xã Mỹ Phước. Theo quy định tại Điểm 2, Điều 2 Nghị định số 46-CP ngày 23/6/1993 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ Đảng, chính quyền và kinh phí hoạt động của các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn và Công văn số 200/BTCCBCP-CQĐP ngày 14/4/2000 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ về chức danh Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân xã thì chức danh Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân xã tương đương với chức danh Phó Bí thư Đảng uỷ xã thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Từ tháng 10/1993 đến tháng 7/1994, ông Đức là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Phước (thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP); từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1995 là Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Phước (thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP); từ tháng 9/1995 đến tháng 2/2001 là Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Phó Trưởng ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập (các chức danh này đều không thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP); từ tháng 3/2001 đến nay là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Phước Lập (thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP).

Căn cứ Điểm đ, Khoản 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì: “Đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH”.

Đối chiếu quy định nêu trên, ông Đức có thời gian từ tháng 9/1995 đến tháng 2/2001 không phải là cán bộ xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, như vậy thời gian gián đoạn từ tháng 9/1995 đến tháng 1/1998 quá 12 tháng và thời gian từ tháng 1/1998 đến tháng 2/2001 không thuộc đối tượng tham gia BHXH theo quy định.

Vì vậy, thời gian công tác từ tháng 10/1991 đến tháng 2/2001 của ông Đức không được cộng nối với thời gian tham gia BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Theo Chinhphu.vn



Tin tức liên quan

  • Mức tiền lương, thu nhập đóng BHXH năm 2018
  • Thứ tư, 14/03/2018 - 09:08
  • Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2018.

  • Cần sửa hàng loạt quy định, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
  • Thứ năm, 10/05/2018 - 08:43
  • Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, để thu hút được người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) cần phải sửa đổi hàng loạt các quy định, cải cách trong thiết kế chính sách, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm theo hướng linh hoạt hơn...

  • “Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu không phải vì lo vỡ quỹ lương hưu”
  • Thứ sáu, 04/05/2018 - 02:00
  • Lãnh đạo Bảo Hiểm xã hội Việt Nam giải thích, cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ lương hưu vào năm 2025 được ILO đưa ra thời gian trước nhưng theo tính toán lại thì không có chuyện này. Còn việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được căn cứ trên nhiều yếu tố chứ không chỉ do việc cân đối quỹ bảo hiểm.

  • Bộ LĐ-TB&XH giải đáp các thắc mắc về tiền lương và BHXH
  • Thứ tư, 18/04/2018 - 06:29
  • Trường hợp đã nghỉ hưu và đi làm thêm thì có cần tiếp tục đóng BHXH không? Người lao động làm ở 2 công ty, nếu đã đóng BHXH ở công ty khác thì chế độ ở công ty còn lại tính như thế nào? Tiền thưởng đột xuất có trích đóng BHXH không?... Bộ LĐ-TB&XH vừa giải đáp một số thắc mắc về tiền lương và BHXH.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn