Hà Nội: Không được livestream buổi tiếp công dân

Thứ Năm, ngày 7/3/2019 - 05:38

(PL)- Công dân có quyền đề nghị được quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc tại trụ sở tiếp dân và cam kết sử dụng dữ liệu này đúng pháp luật.

Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội. Trong nội quy có quy định công dân “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi, phản biện nhưng tựu trung trên Pháp Luật TP.HCM các chuyên gia pháp luật cơ bản bày tỏ sự đồng tình.

Đến nay chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành quy định hướng dẫn thực hiện việc trích xuất, cung cấp dữ liệu âm thanh, hình ảnh cho công dân đến làm việc tại trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội.

Được quay phim, chụp ảnh có điều kiện

Theo hướng dẫn nói trên, sau buổi làm việc tại trụ sở tiếp công dân của TP, công dân có quyền đề nghị (bằng văn bản, có mẫu kèm theo) cung cấp các dữ liệu âm thanh, hình ảnh về buổi làm việc. Trong đó, công dân phải cam kết sử dụng đúng quy định của pháp luật đối với hình ảnh, âm thanh được cung cấp. Nhân viên của ban tiếp dân sẽ tiếp nhận đề nghị trích xuất dữ liệu và chuyển cho công dân bằng vật lưu trữ (thẻ nhớ, đĩa) hoặc chuyển qua thư điện tử của công dân…

Hướng dẫn này cũng chỉ rõ công dân có quyền đề nghị được quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc tại trụ sở tiếp dân và cam kết sử dụng dữ liệu này đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trước khi tiến hành ghi hình, ghi âm, công dân và người tiếp dân phải thống nhất cách thực hiện. Vị trí đặt thiết bị quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải đảm bảo thuận lợi, bao quát cả người tiếp và công dân được tiếp, tránh phản cảm hoặc gây ảnh hưởng xấu cho chất lượng buổi tiếp dân. Đặc biệt, việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm không được để lộ bí mật của người tố cáo thông tin, tài liệu tố cáo của công dân khác.

“Trong quá trình quay phim, chụp ảnh, ghi âm, nếu thấy công dân có hành vi, lời nói phản cảm, làm mất tập trung, mất trật tự tại trụ sở, làm gián đoạn, ảnh hưởng xấu đến buổi tiếp công dân như gí thiết bị ghi âm, ghi hình vào mặt cán bộ tiếp dân; có lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm đến cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; phát livestream hoặc phát hình ảnh, âm thanh trực tiếp ra bên ngoài phòng tiếp dân…, hoặc có khả năng làm lộ bí mật người tố cáo thì người tiếp công dân dừng buổi tiếp để nhắc nhở, chấn chỉnh đảm bảo theo quy định” - hướng dẫn này nêu rõ.

Hà Nội: Không được livestream buổi tiếp công dân - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung(giữa) đang tiếp công dân vào tháng 12-2018. Ảnh: HOÀNG HÀ

Quy định đảm bảo quyền công dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đình Cung, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội, cho biết: Hà Nội không cấm người dân ghi âm, ghi hình buổi làm việc mà chỉ đề nghị phải có sự trao đổi trước với cán bộ tiếp dân để không ảnh hưởng đến không khí buổi làm việc. Việc này là cần thiết, tránh ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc tiếp dân, đồng thời đảm bảo các dữ liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng đúng mục đích.

“Đa phần công dân đến làm việc đều tuân thủ nội quy của trụ sở ban tiếp công dân, tuy nhiên cũng có trường hợp dễ gây ức chế cho không khí làm việc chung. Bản thân tôi gặp rồi, có trường hợp công dân đến làm việc tại trụ sở tiếp dân cầm điện thoại theo để bên cạnh livestream, vừa nói chuyện với mình vừa quay sang nói chuyện với bạn bè trên mạng. Việc làm này dễ gây cảm giác ức chế cho bất kỳ ai chứ không chỉ riêng tôi” - ông Cung chia sẻ.

Theo ông Cung, trung bình mỗi năm một cán bộ của ban tiếp dân TP tiếp khoảng 5.000 lượt công dân với số lượng đơn thư, kiến nghị rất khổng lồ, áp lực công việc khá lớn. Vì vậy, việc có một hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu, hình ảnh, âm thanh hay cách thức ghi âm, ghi hình tại buổi tiếp dân là cần thiết để đảm bảo chất lượng buổi tiếp dân được tốt nhất. “Hiện trụ sở tiếp công dân của TP Hà Nội đều trang bị các máy ghi hình và nếu công dân đề xuất lưu trữ thì cơ quan tiếp dân sẵn sàng cung cấp đầy đủ” - ông Cung nói.

Ông Cung cho biết các buổi tiếp dân đều tiếp nhiều công dân, có nhiều tài liệu phải bảo mật; vì vậy để đảm bảo không “lộ bí mật tố cáo” thì việc đưa nội quy không được “phát trực tiếp ghi âm, ghi hình” buổi làm việc ra bên ngoài là rất cần thiết.

Quy định phù hợp với Luật Tiếp công dân

Tôi tán thành quy định hướng dẫn việc tiếp nhận dữ liệu, âm thanh, hình ảnh (hoặc ghi âm, ghi hình) này của Hà Nội. Tôi đã từng phát biểu nhiều lần về vấn đề này. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến chất lượng buổi làm việc. Cạnh đó, quy định đặt ra còn để tránh trường hợp lợi dụng việc quay phim để đưa lên mạng không trung thực, với mục đích không tốt làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân và của công dân khác. Ngoài ra, quy định không được phát trực tiếp hình ảnh, âm thanh buổi tiếp công dân ra bên ngoài cũng để đảm bảo bí mật tố cáo theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNGPhó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội

TRỌNG PHÚ



Tin tức liên quan

  • Tác phong tiếp dân
  • 12/11/2018 08:27
  • Cán bộ khi xuống cơ sở gặp dân, dù với mục đích gì, khảo sát chuyên đề, thăm hỏi và nắm bắt thực tế, tiếp xúc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết yêu cầu kiến nghị... phải ý thức vị trí của mình là ai, đang ở đâu.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn