Hàng nghìn xã, huyện được đề xuất sắp xếp lại vì 'không đủ tiêu chuẩn'

Thứ tư, 25/7/2018, 15:54 (GMT+7)

Hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.

Trả lời VnExpress, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, hiện cả nước có 713 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 11.162 xã, phường, thị trấn. Trong Đề án, Bộ Nội vụ đề xuất trong 3 năm tới sẽ sắp xếp lại khoảng 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Từ năm 2021 trở đi, Bộ tiếp tục xét đến các huyện, xã không đủ tiêu chuẩn còn lại với số lượng lên đến trên 5.000 đơn vị. 

"Việc tồn tại các huyện, xã nhỏ, thiếu tiêu chuẩn quy định sẽ không phù hợp với yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tiết kiệm chi tiêu công và phát triển kinh tế; sẽ dẫn đến sự phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương", ông Tuấn nói. 

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, với số lượng nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã như trên thì cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương sẽ tăng tương ứng, dẫn đến tăng biên chế, tăng trụ sở, tăng gánh nặng ngân sách nhà nước (chi lương, chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng trụ sở làm việc…).

Trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Thành

Trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Thành

Về định hướng sắp xếp, ông Trần Anh Tuấn cho hay sẽ căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, khi thực hiện Bộ sẽ chú ý đến cả yếu tố đặc thù như: phong tục, tập quán, lịch sử, dân tộc, vùng miền, đặc điểm đô thị, điều kiện tự nhiên, miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo… Ví dụ như ở Hà Nội thì quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình mặc dù diện tích nhỏ, nhưng dân số rất đông, không thể sáp nhập vào đơn vị hành chính khác. Hoặc các đảo ngoài biển như Huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Bạch Long Vỹ thì dù diện tích nhỏ, dân cư không nhiều cũng không thể sáp nhập vào đơn vị khác.

"Theo tôi, để phù hợp với thực tiễn thì khi sắp xếp lại, ngoài 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số còn cần phải lưu tâm rất nhiều đến tiêu chí đặc thù của từng địa phương trước khi quyết định", ông Tuấn nhấn mạnh.

"Sắp xếp cán bộ là khó khăn nhất"

Trả lời câu hỏi liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện đề án, lãnh đạo Bộ Nội vụ nói: "Chúng tôi thấy rằng việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất, quyết định đến sự thành công của việc sáp nhập huyện, xã không đạt tiêu chuẩn".

Ông Tuấn cho hay, "bài toán" trên đang được nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất, theo hướng có tính đến việc “chuyển tiếp”, chú trọng đến công tác đánh giá, phân loại, đảm bảo nâng cao được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập.

Đồng thời, Bộ sẽ có các chế độ, chính sách phù hợp, thỏa đáng gắn với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giải quyết thôi việc đối với những người thuộc diện dôi dư.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: CTV

"Đây là việc khó khăn, phức tạp nhưng không phải vì khó khăn mà chúng ta không làm, khi mà Đề án này sau khi hoàn thiện và thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và cho chính người dân", lãnh đạo Bộ Nội vụ nói.

"Cần tránh sáp nhập máy móc”

Trước đó, tại hội thảo góp ý vào Đề án, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc sắp xếp huyện, xã cần tránh máy móc theo hướng chỉ dựa vào tiêu chí dân số và diện tích tự nhiên.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Trần Hữu Thắng phân tích, nhiều quận ở Hà Nội chỉ có diện tích trên dưới 10 km2, quá nhỏ so với tiêu chí theo quy định là quận phải có diện tích từ 35 km2 trở lên. Nhưng các quận này có dân số rất lớn, nếu sáp nhập nữa thì có thể dẫn đến quá tải trong quản lý.

Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu sâu 6 yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, đặc biệt là về phong tục tập quán.

Theo ông Đoàn, Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt tiêu chí về diện tích. Lớn nhất là huyện miền núi Ba Vì cũng chỉ hơn 200 km2, không thể đạt tiêu chuẩn 450 km2 theo quy định. Hầu hết các phường ở nội đô không có phường nào diện tích đạt 5,5 km2.

Đại diện tỉnh Nghệ An băn khoăn về biên chế sau khi sáp nhập huyện, xã. Ủng hộ lộ trình tinh giản biên chế, nhưng vị này đề xuất khi sáp nhập thành huyện, xã mới thì nên cho phép lượng biên chế công chức cao hơn quy định.

Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VFPR) nhìn nhận, việc thực hiện Đề án trên là cần thiết, giúp giải quyết tình trạng “lạm phát” xã, huyện trong hơn 30 năm qua.

“Với cách phân bổ nguồn lực theo địa giới hành chính như hiện tại, có càng nhiều đơn vị hành chính cấp dưới thì địa phương càng được phân bổ nhiều nguồn lực hơn. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì ngân sách rất khó để kham nổi”, ông Nguyễn Khắc Giang phân tích và cho rằng, thay đổi địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vì vậy nên lấy ý kiến cử tri trước khi thực hiện.

Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận là từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.

Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Đối chiếu theo quy định trên, hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khoảng 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn.  



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn