Hạnh phúc sau 17 năm mới có giấy khai sinh

Thứ Hai, ngày 16/3/2020 - 06:10

(PL)- 11 trường hợp may mắn được xã tích cực giải quyết cấp mới giấy khai sinh, trong đó có những người đã gần 20 tuổi.

Cầm trên tay tờ giấy khai sinh sau 17 năm chờ đợi, em Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 2003) òa khóc vì quá vui mừng, rối rít cám ơn nữ cán bộ tư pháp hộ tịch xã Phạm Văn Hai,huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Trường học, trường nghề đều không nhận

Trước đó, cuối năm 2019, nhận được thông tin từ một số người dân trên địa bàn xã Phạm Văn Hai phản ánh về việc chưa có giấy khai sinh, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến tìm hiểu và có bài phản ánh.

Bài báo ghi nhận một số trường hợp chưa có giấy khai sinh, đặc biệt là gia đình bà Dương Thị Út (59 tuổi), một gia đình có ba thế hệ gồm bà Út, ba người con và hai người cháu thuê nhà sống nhiều năm trên địa bàn xã Phạm Văn Hai. Tất cả họ đều chưa có giấy khai sinh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, trong một lần hỏa hoạn cách đây nhiều năm, toàn bộ giấy tờ tùy thân của gia đình bà Út bị thiêu rụi. Riêng các con, các cháu bà thì từ khi sinh ra chưa từng được cấp giấy khai sinh do vợ chồng bà Út và cha mẹ không có giấy tờ tùy thân. Việc không có giấy tờ khiến các con, cháu bà đi học không được, đi làm cũng chẳng xong. Nhiều năm liền bà Út đến UBND xã Phạm Văn Hai xin cấp lại giấy khai sinh nhưng hồ sơ bị trả do còn nhiều vướng mắc.

Sau khi báo phản ánh, UBND xã Phạm Văn Hai đã chỉ đạo cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch phối hợp cùng công an xã tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, xác nhận lại thông tin cần thiết. Mục đích là để làm lại giấy khai sinh cho những nhân khẩu trong gia đình bà Út.

Kết quả là sáng 11-3 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Phạm Văn Hai, đại diện UBND xã Phạm Văn Hai đã trao giấy khai sinh cho em Tuyền, con gái bà Út. Ngoài em Tuyền thì một người con gái khác của bà Út cũng được cấp giấy khai sinh mới.

Vỡ òa hạnh phúc sau bao ngày cố gắng mà không xin cấp được giấy khai sinh, Tuyền kể: “Từ lúc sinh ra em đã không có giấy khai sinh nên không được đi học như các bạn mà phải học tại lớp tình thương của những đứa trẻ nghèo khó, không có giấy tờ. Sau đó em phải nghỉ học vì lớp tình thương chỉ dạy đến lớp 5”.

Sau khi Tuyền phải nghỉ học giữa chừng, bà Út tính cho con gái đi học nghề, nhưng học được vài tháng thì Tuyền cũng phải nghỉ vì trường nghề cũng không chấp nhận người không có giấy tờ tùy thân.

“Từ nay có giấy khai sinh rồi, em sẽ làm căn cước công dân rồi đăng ký học nghề làm tóc, làm nail sớm có tiền phụ giúp mẹ và lo cho các cháu đi học. Em có thể tự tin ra đường mà không nơm nớp lo sợ, em thấy vui và vô cùng hạnh phúc” - Tuyền xúc động nói.

Hạnh phúc sau 17 năm mới có giấy khai sinh - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (phải) trao giấy khai sinh cho em Tuyền sau 17 năm chờ đợi. Ảnh: MINH TÂM

Trăn trở của cán bộ hộ tịch xã

Trao đổi với pv Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, cán bộ tư pháp hộ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, cho biết từ năm 2018, xã đã rà soát, thống kê được 30 trường hợp trên địa bàn chưa có giấy khai sinh. Tính cả hai con gái của bà Út thì đến nay xã đã giải quyết cấp mới giấy khai sinh được cho 11 trường hợp.

Cũng theo bà Vân, về mặt chính quyền thì cũng gặp một số vướng mắc như phần lớn các trường hợp không có giấy khai sinh đều là người từ nơi khác đến thuê nhà và sinh sống lâu năm trên địa bàn. Họ đã mất hết giấy tờ tùy thân và thậm chí không nhớ nơi mình sinh ra.

Bà Vân kể: “Có những trường hợp làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Sau khi có con, cuộc sống không hạnh phúc nên mỗi người một nơi, thế là họ quên luôn việc làm giấy khai sinh cho cháu bé”. Thậm chí nhiều người vì lo cuộc sống mưu sinh vất vả, khi cán bộ thông báo lên làm giấy tờ thì họ cũng không màng tới việc này.

Ngoài ra, vướng mắc còn đến từ các quy định của pháp luật. Điều 4 Thông tư số 15 của Bộ Tư pháp (thi hành một số điều của luật hộ tịch) nêu: Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh.

Tuy nhiên, văn bản lại không nêu cụ thể thời hạn nhận trả lời kết quả xác minh là mấy ngày nên rất khó để cán bộ hộ tịch biết khi nào sẽ hướng dẫn người dân làm văn bản cam đoan. “Tôi muốn thông tư bổ sung cụ thể số ngày quy định việc gửi và nhận văn bản xác minh. Từ đó cán bộ, công chức sẽ có căn cứ mốc thời gian cụ thể hướng dẫn người dân làm văn bản cam đoan” - bà Vân nói.

Theo bà Vân, sắp tới UBND xã Phạm Văn Hai sẽ tiếp tục có đợt rà soát lần hai đối với các trường hợp chưa có giấy khai sinh trên địa bàn xã. Cán bộ hộ tịch sẽ tích cực phối hợp thực hiện các thủ tục nhanh gọn nhất có thể để người dân sớm được cấp lại giấy khai sinh, được hưởng các quyền lợi đi kèm.

“Chính quyền hiểu nỗi lo của dân nên sẽ cố gắng thực hiện nhanh gọn nhất có thể. Tôi rất mong người dân sốt sắng hơn, tích cực phối hợp cùng chúng tôi để việc làm giấy khai sinh được giải quyết nhanh hơn” - bà Vân cho biết.

Trường hợp khác được xã tạo điều kiện

Mấy năm trước, anh Bùi Văn Dũng (quê Vĩnh Long, hiện đang trú tổ 10, ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) sống như vợ chồng với một phụ nữ không đăng ký kết hôn. Năm 2015, hai người có con chung, sau đó người phụ nữ bỏ con ở lại cho anh Dũng nuôi rồi đi lấy chồng mới. Hậu quả là đến nay cháu bé đã năm tuổi nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh.

Vì muốn con được đến trường, nhiều lần anh Dũng xin làm giấy khai sinh cho con nhưng anh lại không có hộ khẩu của mẹ cháu bé theo quy định. Sau một thời gian được cán bộ hộ tịch hướng dẫn, anh Dũng đến nay đã có đủ bộ hồ sơ gửi Công an xã Phạm Văn Hai để xác nhận gửi UBND xã làm giấy khai sinh cho con. “Tôi thấy chính quyền xã rất tận tình và linh hoạt giúp người dân. Tôi chỉ mong con gái tôi sớm làm được giấy khai sinh để cháu được đi học như chúng bạn” - anh Dũng nói. 

 

CÙ HIỀN



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn