Học sinh có quyền bỏ dở bài tập về nhà

Thứ hai, 4/11/2019, 10:30 (GMT+7)

Cơ quan giáo dục tỉnh Chiết Giang đề xuất học sinh tiểu học có thể dừng làm bài tập về nhà dù chưa hoàn thành lúc 21h, THCS là 22h để đi ngủ. - VnExpress

Đề xuất ngày 28/10 là một trong 33 biện pháp của dự thảo sáng kiến quốc gia nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh. "Học sinh có quá nhiều bài tập về nhà, lớp học thêm mà không được ngủ đủ giấc, tập thể dục hoặc hoạt động sau giờ học", dự thảo nêu. Các biện pháp khác trong dự thảo nhằm hạn chế lớp học thêm, khuyến khích đánh giá kết quả học tập theo nhiều phương pháp.

Chính phủ Trung Quốc khuyên học sinh tiểu học cần ngủ 10 giờ một ngày, THCS 9 giờ và THPT 8 giờ. Theo Ủy ban Y tế quốc gia, 1/3 học sinh từ 6 đến 15 tuổi có ít hơn một giờ hoạt động ngoài trời mỗi ngày và 70% các em ngủ ít hơn thời gian tiêu chuẩn. Ngoài ra, 36% học sinh tiểu học bị cận thị, tỷ lệ này ở THCS là 70% và THPT là 80%.

Học sinh Trung Quốc đang làm bài tập về nhà. Ảnh: Xinhua/SCMP

Học sinh Trung Quốc đang làm bài tập về nhà. Ảnh: Xinhua/SCMP

Tuy nhiên, thay vì hài lòng với dự thảo chính sách mới, phụ huynh lo rằng con họ sẽ phải "trả giá" vì thành tích học tập kém. "Trong khi trường đại học vẫn chú trọng thành tích học tập bậc phổ thông, việc giảm bớt khối lượng bài tập là không ý nghĩa", David He, bố của học sinh lớp 5 ở Gia Hưng, bày tỏ quan điểm.

"Họ muốn học sinh hạnh phúc và không cần dành nhiều thời gian cho việc học, nhưng liệu các em có vui khi thi trượt không?", ông David nói thêm.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc giảm gánh nặng bài vở là vô nghĩa vì kết quả học tập vẫn đóng vai trò quan trọng khi nộp hồ sơ vào đại học, xin việc. Theo quy định của Trung Quốc, trường đại học tuyển sinh viên dựa vào điểm số kỳ thi Gaokao do chính phủ tổ chức. 

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, cho rằng giải pháp cơ bản cho gánh nặng học tập với học sinh Trung Quốc là cải cách cơ chế tuyển sinh đại học. Các trường nên được trao quyền quyết định tuyển ai và thi như thế nào. "Đánh giá hàng triệu học sinh dựa trên một kỳ thi tiêu chuẩn sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều em có tài năng trong các lĩnh vực khác", ông nói.

Từ những năm 1990, chính quyền Trung Quốc đã ban hành các mệnh lệnh nhằm giảm gánh nặng học tập, nhưng mọi thứ vẫn đi theo hướng ngược lại. "Để thực sự giảm áp lực học tập cho các em, điều cốt lõi là hệ thống đánh giá của giáo dục cần thay đổi", ông Chu khẳng định.

Thanh Hằng (Theo SCMP)



Tin tức liên quan

  • Bộ GD-ĐT: Có thể nhận xét học sinh theo nhiều cách
  • 26/12/2020 07:59
  • Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những băn khoăn của cán bộ, giáo viên trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng nếu bắt tay vào làm sẽ không thấy quá khó và sẽ làm được.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn