Khó xử vụ mẹ 70 tuổi trộm xe hơi của… con gái

Thứ hai, 05/02/2018 - 08:45

Tòa nghi lọt người phạm tội là người đã trực tiếp lái chiếc xe ra khỏi nhà nhưng cơ quan điều tra nói không thể truy tố người này.

Mới đây, TAND TP.HCM mở lại phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Hoa , bị truy tố về tội trộm cắp tài sản mà người bị hại chính là con gái của bà. Tuy nhiên, tòa đã phải hoãn xử do bà Hoa (được tại ngoại) không đến tòa để tham gia tố tụng theo giấy triệu tập. Đây là vụ trộm khá hy hữu và có nhiều mắc mớ về pháp lý cần làm sáng tỏ.

Đưa người vào nhà lấy xe của con

Đầu năm 2014, bị cáo Hoa đến sống chung với cháu ngoại ở phường An Lạc, quận Bình Tân vì con gái đang ở nước ngoài. Tháng 8-2014, bị cáo đem xe máy Honda LEAD của cháu ngoại cầm được 10 triệu đồng lấy tiền xài. Khi về lại Việt Nam, biết chuyện nên con gái bà đã chuộc lại xe và không cho ở chung nhà nữa.

Nhưng khi bàn giao chìa khóa nhà, bị cáo Hoa vẫn lén giữ lại một bộ. Tháng 9-2014, con gái bà quay về Singapore sinh sống. Bị cáo Hoa tìm người cầm cố chiếc ô tô Toyota Fortuner (theo định giá là 750 triệu đồng) để lấy 200 triệu đồng. Bà cho người môi giới 40 triệu đồng. Bị cáo mở cửa cho người nhận cầm xe vào nhà lái xe đi. Người này đưa trước 170 triệu đồng, 30 triệu đồng còn lại bà đến chung cư Thái Sơn ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân lấy và làm hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên, khi bà đến điểm hẹn thì không có ai.

Khi cháu ngoại bà về nhà phát hiện mất ô tô nên đã báo cho mẹ. Ngay sau đó con gái bà Hoa về nước và báo công an. Mấy ngày sau, bị cáo gọi điện thoại cho cháu ngoại thông báo đã thế chấp xe để vay 170 triệu đồng.

Tháng 3-2015, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án trộm cắp tài sản. Năm tháng sau, bà Hoa đến đầu thú và khai nhận hành vi. Đến nay, chiếc ô tô bị mất trộm chưa thu hồi được và cũng chưa sang tên đổi chủ. Con gái bị cáo cũng có đơn bãi nại và không yêu cầu bà Hoa bồi thường.

Bị cáo Hoa tại phiên xử tháng 3-2017. Ảnh: Hoàng Yến

Tháng 6-2016, CQĐT kết luận điều tra vụ án nhưng VKSND TP yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ hành vi của hai người môi giới thế chấp xe là Huỳnh Thị Thu Thủy và Huỳnh Khắc Đáng, nếu đủ căn cứ thì khởi tố hình sự. Hai tháng sau hai người này bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản nhưng VKS không đồng ý vì chưa đủ căn cứ xác định hai người này phạm tội với vai trò đồng phạm.

Tháng 10-2016, VKSND TP ban hành cáo trạng truy tố bà Hoa tội trộm cắp tài sản theo khoản 4 Điều 138 BLHS 1999 (hình phạt từ 12 năm đến tù chung thân). Về vai trò của những người liên quan, VKS cho rằng người nhận thế chấp và trực tiếp lái xe ra khỏi nhà con gái bà Hoa là Võ Văn Tư.

Trước đó tháng 1-2015, Công an TP Cần Thơ đã bắt Tư theo lệnh truy nã để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức trong một vụ án khác. Tư không thừa nhận có quen biết bà Hoa và có nhận thế chấp. Cơ quan tố tụng đã cho đối chất giữa các bên nhưng không giải quyết được các mâu thuẫn. Từ đó kết luận Tư chỉ là người đi cùng bà Hoa vào nhà lấy xe nhưng đến nay chưa thu hồi được xe nên chưa đủ cơ sở khởi tố. VKS cũng lý giải việc không khởi tố đối với hai người môi giới là vì họ chỉ có hành vi môi giới cầm cố xe chứ không giúp sức cho bị cáo Hoa lén lút đưa xe ra khỏi nhà...

Tòa nghi lọt người phạm tội

Tại phiên xử vào tháng 3-2017, bà Hoa khai vào ngày lấy xe, Tư liên tục gọi điện thoại cho bà và bà cũng gọi lại cho Tư. Sau đó, bà và Tư cùng vào một khách sạn ở tỉnh Long An để giao nhận tiền.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoa đã kiến nghị khởi tố Tư với vai trò đồng phạm giúp sức tội trộm cắp tài sản vì trong ngày trộm xe hai người liên tục gọi điện thoại cho nhau. Khi cho nhận dạng, bà Hoa và những người liên quan trong việc chỉ điểm được đúng Tư là người đã xem xe, ngã giá và bàn bạc chuyện cầm xe. Hơn nữa bà Hoa đã gần 70 tuổi, không biết lái xe, không thể một mình di chuyển chiếc xe ra khỏi nhà con gái được.

Từ đó TAND TP đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nếu xác định được những vấn đề theo lời khai của bị cáo là thật, kết hợp với lời khai của những người liên quan có trong hồ sơ thì Tư có dấu hiệu phạm tội, cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, con gái bà Hoa đề nghị định giá lại chiếc xe và đề nghị điều tra làm rõ do có dấu hiệu lọt người, lọt tội.

Kết quả điều tra bổ sung Cơ quan CSĐT xác định số điện thoại trên đúng là của Tư vào thời điểm lấy xe và có gọi cho bà Hoa. Trong khi Tư khai không dùng số điện thoại này. Thuê bao đứng tên Tư là do năm 2014 Tư làm giám đốc một công ty kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn và không nhớ số điện thoại này đã giao ai sử dụng. Khách sạn ở Long An thì không lưu tên bà Hoa và Tư lưu trú. Do đó, theo CQĐT, không thể truy cứu Tư tội trộm cắp tài sản hay tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bởi lẽ Tư khai không quen bà Hoa nên không làm rõ được có việc Tư vào nhà lấy xe và lái đi không, chiếc xe thì chưa thu hồi được...

Có thể áp giải bị cáo tới tòa

Theo khoản 3 Điều 61 và Điều 290 BLTTHS 2015, bị cáo có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của tòa, có mặt theo giấy triệu tập của tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án. Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Các trường hợp vắng mặt khác có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu CQĐT truy nã bị cáo.

Theo Điều 156 BLDS 2015 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015, sự kiện bất khả kháng thường được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan mà sức người không thể kháng cự được như những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần…; hoặc là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ… Còn trở ngại khách quan là những tình huống, hoàn cảnh khách quan, không do con người mong muốn.

Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Theo Phương Loan

Pháp luật TP Hồ Chí Minh



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn