Không biết nơi ấy ra sao, vẫn xung phong ra Côn Đảo

17/06/2019 12:46

Có phải khi trẻ người ta sẽ sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì xã hội, đất nước cần? Có những người trẻ đã vác balô đi xây dựng Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cả khi chưa biết nơi đó ra sao.

Không biết nơi ấy ra sao, vẫn xung phong ra Côn Đảo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Học và Trương Văn Út (thứ nhất và hai, từ phải qua) chia sẻ câu chuyện của mình trong buổi giao lưu - Ảnh: Q.L.

Chuyến về nguồn mới đây vừa đưa một số anh chị cùng nhiều bạn trẻ của Nhà xuất bản Trẻ về với mảnh đất thiêng Côn Đảo, gặp lại những người trẻ của hơn 20 năm trước, trong câu chuyện đong đầy cảm xúc của những trái tim tình nguyện.

Nơi nào cần thì mình đi

Trương Văn Út là cái tên cuối cùng trong 14 trí thức trẻ trình độ ĐH tình nguyện đi xây dựng Côn Đảo theo dự án của Trung ương Đoàn và Thành đoàn TP.HCM 24 năm trước, năm 1995. Anh Út kể: "Anh Tăng Hữu Phong (cán bộ Thành đoàn TP.HCM khi đó) đi thăm chiến sĩ đang dạy học trong chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm đó kêu còn thiếu người ở mảng văn hóa, Út tốt nghiệp ngành văn hóa nên đi nghe. Vậy là đi chứ có biết Côn Đảo ở đâu đâu".

Côn Đảo hiện ra trước mắt đội trí thức tình nguyện ngày ấy thật hoang sơ, đoạn đường suốt từ sân bay đến trung tâm đảo tìm đỏ mắt mới thấy một mái nhà.

Đêm đầu tiên trên mảnh đất ấy, Út khóc và đòi về lại TP. Út đi theo các anh dẫn đoàn ra chỉ xin được theo về, tính luôn kế hoãn binh bằng cách xin cho theo tiễn các anh ra sân bay để còn có cách nào về lại TP được không!

Nhưng rồi vẫn phải ở lại và phải làm gì cho Côn Đảo là câu hỏi thường trực trong đầu Út. Lớp kịch nói đầu tiên do Út đứng lớp, sau ba tháng các học viên được Sở Văn hóa - thông tin khi ấy cấp giấy chứng nhận. Liên tiếp các lớp học hát vọng cổ, đờn ca tài tử được khai giảng, mở ra không gian thưởng thức văn hóa văn nghệ vốn rất thiếu thốn cho đảo khi ấy.

Chị Tường Vi (Nhà xuất bản Trẻ) hỏi: "Nhưng dự án kết thúc sau hai năm, anh hoàn toàn có thể trở về đất liền, về lại TP với nhiều cơ hội, sao chọn ở lại?". "Vì nghĩ rằng muốn cống hiến cho những nơi khó khăn, ở đó họ rất cần mình. Bây giờ nếu nơi nào còn khó khăn và cần, tôi vẫn sẵn sàng đi đến đó" - anh Út trả lời không do dự.

Anh Nguyễn Văn Học - nguyên bí thư huyện đoàn, hiện là chuyên viên ban tổ chức Huyện ủy Côn Đảo - bổ sung: "Tôi ra Côn Đảo từ năm 1993, trước khi triển khai dự án trên hai năm, đi nhận nhiệm vụ gầy dựng hoạt động Đoàn và tổ chức đại hội Đoàn sau gần bảy năm không diễn ra vì không có nhân sự làm bí thư. Nói thiệt, lúc đại hội bầu chỉ mong "rớt" mới quay về đất liền được, nhưng ở riết nó ghiền, Côn Đảo giờ đã là quê hương".

Cả gia đình anh đã an cư ở Côn Đảo, con gái anh Học nối gót cha trở thành cán bộ Đoàn.

Lịch sử của Đoàn là lịch sử của cảm xúc thế hệ. Khi nào Đoàn tổ chức được những phong trào gợi ra được cảm xúc thế hệ sẽ thành công.

Ông DƯƠNG THÀNH TRUYỀN (Nhà xuất bản Trẻ)

Cảm xúc thế hệ

24 năm ở lại Côn Đảo, anh Trương Văn Út trải qua nhiều công việc, hiện là đại biểu HĐND huyện. Anh xung phong nhận nhiệm vụ tại thư viện huyện và hiện là giám đốc.

"Đơn giản vì sau thời gian tạm gọi là gầy dựng phong trào văn hóa cho bà con, tôi muốn phát triển mảng thư viện, thêm sân chơi văn hóa cho bà con, thanh thiếu nhi vốn rất thiếu ở nơi này" - anh Út kể.

Ngoài anh Út, đội trí thức trẻ ngày ấy còn có hai người khác chọn ở lại Côn Đảo sau khi kết thúc dự án. Đó là anh Võ Thanh Hùng (kế toán trưởng huyện) và anh Phùng Anh Huy (Ủy ban kiểm tra Huyện ủy).

"Chính tình cảm mặn mòi của người dân đã giữ chân chúng tôi. Cộng với tính tổ chức cao của tổ chức Đoàn, sự hỗ trợ rất nhiều của lãnh đạo huyện, Thành đoàn và dự án này là cơ sở để thực hiện nhiều vấn đề khác sau này tại Côn Đảo" - anh Học cho biết.

Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ Dương Thành Truyền nói có một thứ cảm xúc có thể đặt tên là "cảm xúc thế hệ" để nói về những người trẻ cùng một thế hệ, cùng bắt tay nhau làm điều gì đó cao đẹp hơn, to lớn hơn cho xã hội. "Cảm xúc đó làm cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa hơn" - ông Truyền nói.

Theo ông Truyền, với các trí thức trẻ ra Côn Đảo ngày ấy và chọn gắn bó đến nay không chỉ là tình nguyện, dấn thân mà còn là sự hi sinh giữa nhiều lựa chọn: được - mất, ít - nhiều... Chính sự hi sinh đã gieo trồng trong mỗi chúng ta giá trị để trưởng thành hơn, đóng góp nhiều hơn.

Kết nạp Đảng tại nghĩa trang Hàng Dương

Chị Nguyễn Thị Hải Vân, nhân viên Nhà xuất bản Trẻ, đã được kết nạp Đảng trong buổi lễ tổ chức ngay ở nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hơn 1.900 cựu tù Côn Đảo.

"Tôi từng không tự tin song được làm việc chung, thấy sự chính trực của các anh chị đảng viên đi trước và từ cha mình, tôi đã phấn đấu để vào Đảng. Tôi hiểu hành trình chỉ mới bắt đầu và cần nỗ lực nhiều hơn từ dấu ấn của ngày vào Đảng khó quên này" - chị Vân bộc bạch.

Ông Nguyễn Vân Phi - đảng viên 50 năm tuổi Đảng, cha chị Hải Vân - nói dù tuổi cao nhưng ông phải cố gắng có mặt, chứng kiến ngày con gái vào Đảng ngay tại mảnh đất thiêng Côn Đảo để được gọi con hai tiếng "đồng chí". "Con hãy sống, giữ trọn lời thề, bảo vệ "khí tiết" dù trong bất cứ vai trò nào theo con đường Đảng đã chọn" - "đồng chí" cha căn dặn "đồng chí" con.

QUỐC LINH



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn