Không cần né tránh gọi cảnh sát biển là lực lượng vũ trang!

Thứ sáu, 08/06/2018 - 14:50

Thảo luận tại hội trường, phần lớn đại biểu quân đội cho rằng, không cần phải né tránh quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân. Quy định như vậy cần thiết trong việc bảo vệ, giữ gìn biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 8/6, tại hội trường, phần lớn các đại biểu cho rằng cần phải nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Cảnh sát biển cho phù hợp với điều kiện thực tế Biển Đông hiện nay. Ngoài ra, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào việc xác định vị trí, chức năng của cảnh sát biển.

Cụ thể, điều 4 dự thảo luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn băn khoăn việc đưa cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Như Phúc)

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn băn khoăn việc đưa cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Như Phúc)

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm không nhất thiết phải ghi trong Luật Cảnh sát biển là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân.

“Nếu chúng ta ghi trong luật lực lượng cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân thì rất nhạy cảm. Vì hiện nay trên thế giới nhiều nước có lực lượng giống chúng ta, với tên gọi khác nhau nhưng họ không để trực thuộc Bộ Quốc phòng”, ông Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, nếu chúng ta đưa cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình chung sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang - tức lực lượng quân đội để xử lý xung đột trên biển về mặt dân sự. Do vậy, ông Tuấn băn khoăn với việc có nhất thiết phải đưa vào trong luật quy định như vậy hay không.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chính ủy Quân khu 7 (Ảnh: Như Phúc)

Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chính ủy Quân khu 7 (Ảnh: Như Phúc)

Tranh luận với ý kiến đại biểu Tuấn, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó Chính ủy Quân khu 7) cho hay, cảnh sát biển là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang. Cụ thể ở đây, cảnh sát biển là lực lượng tác chiến trên biển, cũng giống như công an tác chiến trên nội địa.

“Chúng ta làm điều này không ngại gì với điều ước quốc tế vì hiện nay tình hình vùng biển của chúng ta diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, nếu không tăng cường sức mạnh và phương tiện trên biển, trong đó có cảnh sát biển thì rõ ràng sẽ đánh mất vai trò của lực lượng này”, Thiếu tướng Hoàng nêu quan điểm.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, lực lượng cảnh sát biển không những thực thi pháp luật trên biển mà còn đấu tranh trên biển bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và chống cướp biển.

“Việc lực lượng cảnh sát biển bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trên biển, phối hợp với lực lượng hải quân tác chiến để giải quyết các vấn đề trên biển không tăng tính nhạy cảm”, Thiếu tướng Hoàng phân tích thêm.

Còn Đại tá Hồ Văn Thái (Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) nêu rõ quan điểm không cần phải né tránh việc quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân. “Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp và cần thiết trong việc bảo vệ, giữ gìn biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”, ông Thái nói.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Trước vấn đề trên, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cảnh sát biển làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, cũng tương tự như biên phòng trên đất liền. Cảnh sát biển cũng liên quan đến công tác phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh xảy ra đất nước bị tấn công thì lực lượng cảnh sát biển và biên phòng bao giờ cũng là lực lượng nổ súng đầu tiên.

“Biên phòng từ xưa đến nay đã là lực lượng vũ trang rồi thì cảnh sát biển không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm.

Báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu băn khoăn, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển như trong dự thảo nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.

Quang Phong



Tin tức liên quan

  • Phải tăng cường sức mạnh cho cảnh sát biển
  • Thứ Bảy, ngày 9/6/2018 - 01:40
  • (PL)- Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang cùng với các lực lượng khác sẽ là nòng cốt cho việc bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn, xử lý các hoạt động tội phạm khác.

  • Cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị pháo 23 ly
  • 03/07/2018 13:05 GMT+7
  • TTO - Theo quy định của luật pháp quốc tế đối với các tàu cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ trên biển, các tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã được trang bị đồng loạt pháo từ 23 ly trở xuống.

  • Khi cần bảo vệ tổ quốc, cảnh sát biển được quyền nổ súng
  • Thứ tư, 11/07/2018 - 15:22
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, khi cần bảo vệ tổ quốc được quyền nổ súng nhưng lại được giao thực thi nhiệm vụ dân sự. Dự thảo luật Cảnh sát biển phải thể hiện được nội dung này, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn