Không có chuyện nước ngoài mua đất tại ba đặc khu!

Thứ Ba, ngày 5/6/2018 - 10:22

(PLO)- Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định như vậy và nói  nếu Đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho cơ quan chức năng để xử lý, vì mua như thế là trái pháp luật.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu QH.


ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam)

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề giao dịch mua bán đất đai tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) rất phức tạp, nhất là có thông tin người nước ngoài đã mua nhà khu vực này.

"Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt"- ông Tiến hỏi. 

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, thực tế theo quy định hiện hành, người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị.

"Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó, chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị"- ông Hà khẳng định và nói thêm "Đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam".


Bộ trưởng Trần Hồng Hà

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng hiện có nghịch lý trong quản lý đất đai: cụ thể, có dự án đầu tư, dù đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án nhưng vẫn phát sinh việc người dân khiếu kiện.

“Một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, đại gia cũng ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình BĐS. Ở những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng, Chính phủ càng bỏ ra nhiều tiền đề đền bù, người dân càng phát sinh khiếu kiện”- ĐB Cường nói.

ĐB Cường đặt câu hỏi: Chính sách đất đai của ta, đặc biệt là các công cụ kinh tế, có liên quan gì đến tình trạng trên. Chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp, miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?

“Tôi cho rằng chính quyền không thể ra chỉ thị cấm giao dịch. Chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này, vì nếu QH ra nghị quyết thì vi phạm hiến pháp”- ông Cường vừa hỏi, vừa bình luận.


ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng “đây là câu hỏi rất khó”, liên quan đến định giá đất đai.

Theo ông Hà, hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng “thế giới làm như vậy được còn VN rất khó làm", vì đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển đổi từ đất trồng lúa sang quy hoạch phát triển bất động sản là khác nhau ghê lắm.

“Thế giới quy hoạch rất rõ ràng và không có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất”- ông Hà nhấn mạnh.  

Bộ trưởng Hà sau đó “rất mong muốn” ĐB sẽ hỗ trợ cho Bộ TNMT trong vấn đề sửa luật.

Vấn đề đất đai nóng lên, sốt đất ở ba khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Bộ trưởng Hà cho rằng trừ vi phạm pháp luật, giao dịch ngầm thì chúng ta không thừa nhận, sẽ xử lý. Còn lại, để đất không sốt lên thì phải sử dụng các công cụ kinh tế.

“Chúng ta sẽ xem xét một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều hơn thì tăng giá lên.... Hoặc ba năm không sử dụng thì tăng thuế lũy tiến đất đai lên. Các công cụ kinh tế tôi đã có nghiên cứu và thấy là hiệu quả hơn là việc sử dụng các biện pháp hành chính”- ông Hà nói.

Đưa Nhiệt điện Vĩnh Tân vào đề án giám sát đặc biệt?

Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) hỏi: Hơn 8 tháng qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị Bộ TNMT đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào đề án giám sát đặc biệt vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Việc đưa vào đề án đặc biệt nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và DN có cấp độ đặc biệt, để đảm bảo cao nhất an toàn môi trường ở khu vực này. Bộ trưởng cho biết có chấp nhận đề nghị trên không? Nếu chấp nhận thì lúc nào phê duyệt đề án và triển khai thực hiện?

Mới đây, Bộ TNMT có văn bản hỏi ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết vấn đề này, Bình Thuận đang mong chờ ý kiến của Bộ trưởng.

Trả lời ĐB Huỳnh Thanh Cảnh, Bộ trưởng Hà cho biết Bộ TNMT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án kiểm soát đặc biệt, trong đó lĩnh vực về nhiệt điện có tên trong danh sách đó.

“Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ chính thức bàn với địa phương các kế hoạch cụ thể”- ông Hà thông tin.

Về vị trí nhận chìm, Vĩnh Tân 3 đang đề xuất, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh phối hợp với DN lựa chọn và phê duyệt các phương án thay nhận chìm bằng phương án lấn biển, chống những khu vực bị sạt lở; hoặc lấn biển để tạo ra các diện tích có ý nghĩa sử dụng cho kinh tế.

Nếu địa phương làm được công việc đó thì Bộ TNMT rất quan tâm. Nếu địa phương và DN không tìm được khu vực để lấn biển thì để tồn tại Nhà máy điện Vĩnh Tân 3 khoảng 50 năm nữa thì việc con tàu đưa than vào là cần thiết và chúng ta cần có giải pháp khác. Những giải pháp đó, thông lệ các nước và Việt Nam đã quy định chặt chẽ.

ĐỨC MINH



Tin tức liên quan

  • Khi người dân trực tiếp lên nghị trường
  • 19/07/2019 09:43
  • Tại phiên chất vấn chiều 17-7, mọi người đã thấy rõ bức tranh, thực trạng cũng như nguyên nhân chính yếu của việc đánh bắt hải sản tận diệt gần bờ, nhờ những lời nói thẳng thắn, chân chất và đời thường của ngư dân.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn