Kỷ luật nhiều lãnh đạo ở Đắk Nông 'vun vén cho gia đình'

18/05/2018 14:02 GMT+7

TTO - Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bao chiếm đất rừng, vun vén cho gia đình trái quy định bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thi hành kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật nghiêm khắc.

Kỷ luật nhiều lãnh đạo ở Đắk Nông vun vén cho gia đình - Ảnh 1.

Nhiều diện tích đất nguồn gốc nhà nước quản lý đã được "chuyển đổi" cho gia đình các cán bộ, lãnh đạo huyện Tuy Đức - Ảnh: TT

Liên quan đến việc quan chức trục lợi đất công, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông vừa đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thiếu gương mẫu trong việc bao chiếm đất đai, có biểu hiện vun vén cho gia đình…

Các nội dung này được công bố sau kỳ thứ 21 của UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông diễn ra trong hai ngày 16 và 17-5.

Bí thư huyện ủy thiếu gương mẫu

Theo đó, UBKT đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với ông K’Bốt - bí thư Huyện ủy Tuy Đức - vì đã thiếu gương mẫu, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên.

Cụ thể, ông K’Bốt đã cùng gia đình nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 135 (năm 2005) không đúng đối tượng tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.

Sau khi nhận đất, rừng, ông K’Bốt cùng gia đình đã thực hiện không đúng hợp đồng, quản lý, bảo vệ không tốt để mất diện tích rừng được giao, chuyển diện tích rừng bị phá sang trồng cây cao su không đúng quy trình.

Cũng liên quan đến việc nhận đất rừng trái quy định, UBKT cũng đề nghị kỷ luật ông Đoàn Văn Quỳnh - giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông. Gia đình ông Quỳnh nhận đất 135 không đúng đối tượng tại xã Quảng Trực, sau đó để mất rừng rồi tự ý trồng cao su trên diện tích này.

Ngoài ra, danh sách "cán bộ bao chiếm đất rừng" còn có ông Phạm Ngọc Kha - chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tuy Đức. Khi còn là trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tuy Đức giai đoạn 2007-2013, ông Kha tham mưu cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định, cấp "sổ đỏ" cho cá nhân trên đất do nhà nước quản lý…

Kỷ luật nhiều lãnh đạo ở Đắk Nông vun vén cho gia đình - Ảnh 2.

Nhiều diện tích đất rừng ở Đắk Nông bị chặt phá, chuyển đổi trái quy định - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo UBKT, vi phạm của ông K’Bốt, Đoàn Văn Quỳnh đến mức phải thi hành kỷ luật nên đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật theo quy định và buộc thực hiện việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giao khoán.

Đối với vị phạm của ông Phạm Ngọc Kha, UBKT đánh giá là nghiêm trọng nên đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Có biểu hiện vun vén cá nhân

Trong kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đề nghị thi hành kỷ luật ông Trần Đình Mạnh -  phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, nguyên bí thư Huyện ủy Tuy Đức.

Là phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tuy Đức hai nhiệm kỳ từ 2008 đến 2015, ông Mạnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và để nhiều cán bộ cấp phó, cấp dưới của mình vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Ngoài ra, ông Mạnh cũng để cho cán bộ cấp dưới làm sai trong việc hợp thức hóa hồ sơ để vợ mình nhận chuyển nhượng từ người khác và được cấp 4 sổ đỏ diện tích 15,7 ha đất mà gia đình ông đang thuê của Nhà nước.

Ông Mạnh cũng bị đánh giá là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vun vén cho gia đình trong việc bổ nhiệm con và em ruột khi chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ và trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định.

Có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc cho chủ trương, quyết định đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đi ngang qua đất chỉ có 3 hộ dân canh tác, trong đó có đất gia đình mình, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, bất bình trong nhân dân.

UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng vi phạm của ông Mạnh là rất nghiêm trọng, làm mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, UBKT đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Trần Đình Mạnh theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, UBKT Tỉnh ủy cũng thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Ngọc Long - phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tuy Đức.

Ông Long đã ký quyết định cấp sổ đỏ đất ở nông thôn khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chịu trách nhiệm liên đới trong việc để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách.

Ông Long cũng ký bổ nhiệm một số cán bộ chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ và trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định, trong đó có trường hợp bổ nhiệm là em ruột.



Tin tức liên quan

  • Tạo kẽ hở cho chặt phá rừng, làm nhà vào đất rừng
  • Thứ ba, 19/06/2018 - 06:00
  • Ranh giới giữa đất rừng sản xuất với đất rừng phòng hộ còn chưa rõ ràng tạo kẽ hở cho một số vi phạm trong quá trình rà soát, sắp xếp như chặt phá rừng, khai thác rừng không đúng pháp luật, kinh doanh, làm nhà ở vào đất rừng, làm giảm hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường.

  • Rừng phòng hộ tan hoang, dân nói không được thông báo nên vô tư chặt phá
  • Thứ bảy, 07/07/2018 - 16:49
  • Hàng trăm ha rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã bị phá tan hoang. Điều đáng nói mặc dù diện tích rừng trên đã được qui hoạch từ rừng sản xuất thành rừng phòng hộ hơn 10 năm qua nhưng đến nay, các hộ dân được giao rừng vẫn không hề hay biết nên vô tư chặt phá, đốt trụi…

  • Vụ 28 ha rừng tan hoang cách trạm bảo vệ 15m: Vì sao rừng liên tục bị phá?
  • Thứ tư, 20/06/2018 - 07:40
  • Ngoài việc buông lỏng quản lý của đơn vị chủ rừng, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị, việc gần 300ha rừng bị mất còn bắt nguồn từ sự chậm trễ trong việc cấp đất cho đồng bào di cư tự do. Hơn 10 năm chờ đợi, hàng chục hộ dân phải cư trú bất hợp pháp và tự phá rừng để mưu sinh.

  • Thêm vụ phá rừng sản xuất ở Thanh Hóa
  • 23/05/2018 18:57 GMT+7
  • TTO - Tại diện tích rừng sản xuất vùng giáp ranh giữa xã Điền Quang và xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), lâm tặc đã chặt hạ nhiều cây gỗ có đường kính 20-40cm, trong khi chính quyền, chủ rừng, kiểm lâm không biết.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn