Lao động chất lượng cao, lành nghề ở TP.HCM chỉ chiếm 26,7%

06/07/2018 17:07 GMT+7

TTO - Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM thông tin hiện trình độ lao động chất lượng cao, lành nghề chiếm 26,7% trong cơ cấu lao động TP. HCM.

Chiều 6-7, Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh các cơ sở ban ngành, các cấp cơ sở Đảng phải chung tay thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu của 7 chương trình đột phá mà Đảng bộ nêu ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Lao động chất lượng cao, lành nghề ở TP.HCM chỉ chiếm 26,7% - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị Thành uỷ lần thứ 17 chiều 6-7 - Ảnh: TỰ TRUNG.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đột phá ở đây chính là việc các chương trình có giúp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ để thúc đẩy sự cạnh tranh, nâng cao năng lực phát triển kinh tế TP.

Theo ông Phong, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng trước hết cần tăng năng suất lao động. Điển hình ở Khu công nghiệp công nghệ cao TP.HCM có năng suất lao động gấp 70 lần cả nước. Đây là nền tảng của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc.

"Muốn nâng cao chất lượng lao động phụ thuộc vào chất lượng lao động, thay đổi cơ cấu vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hiện trình độ lao động lành nghề chiếm 26,7% trong cơ cấu lao động TP. Như vậy có thật sự chất lượng tăng trưởng tốt hay chưa?", ông Phong đặt vấn đề.

Ông Phong cho rằng muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng thì sản phẩm cần đổi mới, nâng chất chất lượng. Để làm được điều đó cần đầu tư khoa học, phát triển ngành công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Lao động chất lượng cao, lành nghề ở TP.HCM chỉ chiếm 26,7% - Ảnh 2.

Thủ tục hành chính là một phần ảnh hưởng đến chỉ tiêu chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng chưa cao. Trong ảnh: văn phòng UBND Q.12 làm thêm giờ trưa để phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: PHƯỚC TUẦN.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề cập tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có sự đột phá. Hiện TP có khoảng 340.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp mạnh chỉ chiếm 1,4%.

Giải thích một phần số doanh nghiệp lớn chưa tăng trưởng mạnh, ông Phong thông tin TP có chỉ số gia nhập thị trường, đầu tư rất kém. Cụ thể các chỉ số về tính minh bạch giảm từ 6,5 điểm từ năm 2016 xuống 6,1 điểm năm 2017. Chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng chỉ dưới 5 điểm.

Ông Phong dẫn chứng trong cuộc khảo sát nhanh 100 doanh nghiệp về khó khăn trong thủ tục hành mới đây thì kết quả doanh nghiệp chưa hài lòng về thủ tục rườm rà (73%), thái độ nhũng nhiễu (68%), chồng chéo cơ quan nhà nước với nhau (46%).

"Chúng ta không tạo ra đột phá trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính nên tăng trưởng chất lượng thấp, chỉ số gia nhập thị trường kém.

Năm 2017, GDP bình quân thu nhập đầu người của TP là 5.945 USD. TP phấn đấu năm 2018 tăng trưởng 8,3% và nâng lên trong năm 2019. Năm 2020 TP quyết tâm đạt GDP đạt 9.800 USD", ông Phong nói.

Nguồn Tuổi Trẻ


Tin tức liên quan

  • Nhà khoa học TPHCM đang “chạy” về các tỉnh?
  • Thứ năm, 12/07/2018 - 15:51
  • Chất vấn Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng đang xảy ra tình trạng các nhà khoa học ở TPHCM bỏ về tỉnh làm đề tài nghiên cứu khoa học. Bà đặt vấn đề: “Phải chăng thủ tục ở tỉnh dễ hơn, họ trân trọng nhà khoa học hơn và kinh phí xác đáng hơn?”.

  • TP.HCM cần chính sách thông thoáng để nhân tài tự đến
  • Thứ Năm, ngày 26/7/2018 - 12:41
  • (PLO)- “Tôi không nghĩ đội ngũ cán bộ TP trì trệ, không dám đổi mới. Cán bộ TP sẵn sàng đổi mới, nếu như người lãnh đạo dám đứng ra đỡ đòn cho những đột phá, đổi mới đó", bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn