Lỗ hổng nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam

Thứ sáu, 8/6/2018, 15:29 (GMT+7)

Điều tra cơ bản về biển không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn là cơ sở khẳng định chủ quyền quốc gia...

Từ ngày 1-8/6 Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với nhiều hoạt động như cầu truyền hình, văn nghệ, tọa đàm. Tuy nhiên, không có nghiên cứu mới nào về biển được đưa ra trong dịp này khiến giới chuyên môn cho rằng đây là một sự thiếu vắng.

Nghiên cứu tổng luận về công tác điều tra cơ bản biển do PGS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện năm 2016 từng chỉ ra lỗ hổng này.

Những nghiên cứu ngắt quãng

Những năm đầu thế kỷ 20, hoạt động điều tra cơ bản được thực hiện bài bản qua các hợp tác quốc tế. Các nghiên cứu bước đầu cung cấp số liệu về hiện trạng, xác định quy luật phân bố, tiềm năng, tài nguyên và môi trường...hỗ trợ công tác quy hoạch, lập sơ đồ phân bố và phát triển sản xuất của quốc gia. Nhưng sau đó việc nghiên cứu, điều tra cơ bản lại phân tán, không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm.

Ông Chu Hồi dẫn chứng, từ năm 1925, Viện Hải dương học Đông Dương tại Nha Trang (nay là Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong Chương trình khảo cứu khoa học biển hợp tác với Chính phủ Pháp đã điều tra các vùng biển bao quanh bán đảo Đông Dương, gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiên cứu tập trung về nghề cá, sự di cư của sinh vật biển liên quan tới nghề cá, thành phần sinh vật phù du, quy luật biến đổi mang tính chu kỳ và di cư.

Giai đoạn 1959-1964, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng triển khai Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp biển vịnh Bắc Bộ. Các điều tra giai đoạn này tập trung vào khí tượng, thủy văn, hải văn, thủy hoá, địa hóa, địa chất, sinh vật nổi, sinh vật đáy, trứng cá, cá bột… Nghiên cứu giúp các nhà khoa học rút ra được kết luận cơ bản về cấu trúc không gian ba chiều và những dao động theo chu kỳ mùa, ngày trong năm.

Cũng ở giai đoạn này, Chương trình điều tra cơ bản vùng biển phía nam Biển Đông phối hợp cùng Viện Hải dương Scrip California (Mỹ) cũng nghiên cứu vật lý thủy văn, cấu trúc rìa lục địa, sinh vật. Kết quả công bố là những số liệu đồng bộ và các luận điểm về điều kiện tự nhiên, đặc biệt là vật lý thủy văn của vùng biển phía nam Việt Nam và Biển Đông.

Sau đó các hợp tác với Hà Lan, Mỹ, tiếp tục có được các số liệu phục vụ việc tìm thêm ngư trường và đối tượng khai thác ngoài khơi Biển Đông cũng như khai thác dầu khí.

Từ 1977-1990, Chính phủ đã cho triển khai một số chương trình điều tra cơ bản và điều tra tổng hợp biển cấp nhà nước. Các nghiên cứu sau đó công bố một khối lượng tư liệu có giá trị về điều kiện tự nhiên, sinh vật, khoáng sản của vùng biển phía nam. Kết quả của chương trình đã góp phần phục vụ các ngành sản xuất, quốc phòng, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trong thời gian sau.

Tuy nhiên, những tư liệu có được trong suốt giai đoạn này lại không được công bố rộng rãi để khẳng định năng lực nghiên cứu, cũng như chủ quyền trên biển của Việt Nam. Khảo sát của TS Trần Trọng Dương, Viện Hán nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, nửa đầu thập niên 1970, hầu như không có công bố. Năm 1972, chỉ có một công bố của học giả quốc tế. Giai đoạn 1974-1984 công bố về nghiên cứu biển có năm cao nhất là 7, sau đó nhích lên 48 (năm 2010) và 104 (năm 2014).

Từ sau năm 1990, nghiên cứu về biển chỉ nhỏ lẻ thông qua các chương trình trọng điểm, khoa học công nghệ biển quốc gia theo từng giai đoạn, lát cắt khác nhau.

Các nhà khoa học đưa mẫu ống phóng đo trọng lực trên biển. Ảnh: PV Phách.

Các nhà khoa học đưa mẫu ống phóng đo trọng lực trên biển. Ảnh: Phùng Văn Phách.

Không hiểu, khó làm chủ

Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, dù đã có những kết quả bước đầu song hoạt động điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học công nghệ biển chưa đáp ứng thực tế. Việc đánh giá trữ lượng cá mới chỉ ở tầng mặt và đáy, chưa biết được tầng giữa. Người làm chính sách chưa đủ số liệu để hiểu một cách hệ thống, quy luật dài hạn ở quy mô rộng của vùng biển. Đến nay cũng chưa có một cơ quan nào trực tiếp làm, chịu trách nhiệm chính về công tác điều tra cơ bản biển, dẫn đến những lúng túng khi cần thông tin.

Đơn cử như năm 2009, khi Việt Nam chuẩn bị hồ sơ để đề xuất với Liên Hợp Quốc mở rộng ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía bắc Biển Đông, nhiều cơ quan phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm, tổng hợp tài liệu. 

Rồi những sự cố môi trường do Formosa gây ra năm 2016 cũng khiến cơ quan chức năng trầy trật tìm nguyên nhân. 

Các quy luật của luồng cá, sinh vật biển, khoáng sản quý Niken, Lithium, Coban... cũng không có nghiên cứu sâu nên theo PGS Hồi, nhiều lúc xây dựng quy hoạch dựa trên cơ sở "đoán già, đoán non". Khi đó không thể có chiến lược khai thác nguồn lợi biển phù hợp. 

"Các số liệu điều tra cơ bản liền mạch cho phép cơ quan quản lý dự báo không chỉ trong kinh tế, bảo vệ nguồn lợi hải sản, khai thác tài nguyên mà dự báo cả an ninh quốc phòng. Hiện Việt Nam quá nhiều đầu mối, ai cũng có thể nghiên cứu về biển nhưng khi cần lại không biết ở đâu”, ông Hồi nói.

Hiện cả nước có tới gần 20 viện nghiên cứu về biển trực thuộc nhiều bộ ngành khác nhau, nhưng khi cần số liệu điều tra cơ bản thì không có sự liên kết và rất khó khăn. "Đơn cử như Tổng cục Biển và Hải đảo cần xin số liệu của Viện Hải dương học Nhà Trang thì phải phụ thuộc vào quyền của ông viện trưởng", ông Hồi dẫn chứng.

Nhìn từ các quốc gia có biển

Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ biển toàn diện với tầm nhìn dài hạn.

Ở Mỹ, Chương trình hành động về đại dương thế kỷ 21 do đích thân Tổng thống Bill Clinton đề xuất với mục tiêu: Tìm hiểu các vấn đề khoa học mới về đại dương, phát triển bền vững nguồn lợi hải sản và các nguồn lợi biển khác. Hiện kinh phí khoa học biển được Mỹ chi 3,5% tổng ngân sách nghiên cứu liên bang.

Với Trung Quốc, từ năm 1996 trong Chương trình đại dương thế kỷ 21, nước này đã xây dựng Chiến lược phát triển bền vững tới năm 2020 nhằm mục tiêu trở thành một trong 10 quốc gia mạnh nhất về biển trên thế giới. Các chính sách lớn cũng được Trung Quốc xây dựng vừa để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, vừa khai thác toàn diện tài nguyên biển, tìm kiếm tài nguyên mới. 

Còn Hàn Quốc - một trong 14 quốc gia có trình độ công nghệ biển và đại dương đứng đầu thế giới, đã xây dựng thể chế, khoa học công nghệ biển bám theo trục kinh tế. Hàn Quốc rất chú trọng phát triển công nghệ bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng viện và trường, tàu thuyền nghiên cứu và giám sát biển. Phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế với các cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao cũng được quốc gia này đầu tư nhằm thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển. 

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tế trong nước, PGS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang lo lắng, nghiên cứu về biển của Việt Nam đang đi tụt lùi và không theo xu thế chung của thế giới.

"Không ít nghiên cứu về biển hiện nay đang lặp lại những kết quả cũ. Các công bố mới về biển quá ít cho thấy Việt Nam đang thiếu những kiến trúc sư giỏi đặt vấn đề với biển. Cứ tình trạng này Việt Nam đang bỏ lỡ mảnh đất vàng - nơi có thể giải quyết được khó khăn mà trên đất liền không giải quyết được cả về tài chính, khoa học công nghệ và ngoại giao", PGS An bày tỏ.



Tin tức liên quan

  • Kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài
  • Thứ bảy, 21/07/2018 - 13:10
  • Mới đây, tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, Kiên Giang đã có nhiều nỗ lưc trong việc chấn chỉnh tình trạng tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực thi lỏng lẻo, cần có giải pháp mạnh, chấm dứt tình trạng này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn