Lực lượng Nga sẽ nhận tên lửa khủng Sarmat 'vào mùa thu năm nay'

21/04/2022 06:36

Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết các lực lượng hạt nhân của Nga sẽ bắt đầu nhận được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat "vào mùa thu năm nay", sau khi quá trình thử nghiệm kết thúc.

Lực lượng Nga sẽ nhận tên lửa khủng Sarmat vào mùa thu năm nay - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat từ Matxcơva - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-4, Hãng tin TASS dẫn lời người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết các lực lượng hạt nhân của Nga sẽ bắt đầu nhận tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới trong năm nay, sau khi quá trình thử nghiệm hoàn tất.

Ông Rogozin nói việc giao hàng sẽ bắt đầu "vào mùa thu năm nay". Trước đó cùng ngày, Nga cho biết họ đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa đầu tiên.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Matxcơva đã thông báo cho họ trước vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời nói vụ thử này là thường lệ và không phải là mối đe dọa đối với Mỹ.

Quân đội Nga cho biết tên lửa đã được phóng từ khu vực Plesetsk ở phía tây bắc của đất nước và đánh trúng các mục tiêu ở bán đảo Kamchatka ở viễn đông.

Tên lửa Sarmat được phát triển trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc Nga phóng thử lần này không phải là điều bất ngờ đối với phương Tây.

Song, đợt phóng thử trên lại xảy ra vào thời điểm căng thẳng cực độ vì xung đột tại Ukraine.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin đã chúc mừng quân đội Nga về sự thành công của vụ phóng, đồng thời nhấn mạnh loại vũ khí này sẽ tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Nga và đảm bảo an ninh cho nước Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài một cách đáng tin cậy. 

Nói về tên lửa Sarmat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá: "Tổ hợp mới có các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật cao nhất, có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại".

Ông Putin cho rằng Sarmat không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới ở cả hiện tại và "trong một thời gian dài nữa".

Ông Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết vụ phóng là một cột mốc quan trọng sau nhiều năm Nga trì hoãn do các vấn đề kinh phí và thách thức thiết kế.

Tuy nhiên, theo ông Barrie, Nga sẽ cần nhiều cuộc thử nghiệm hơn nữa trước khi thực sự có thể triển khai Sarmat thay cho các tên lửa SS-18 và SS-19 đã cũ.

Vị chuyên gia này cho biết Sarmat có khả năng mang từ 10 đầu đạn và mồi nhử trở lên.

NGUYÊN HẠNH



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn