Ly kỳ vụ cưỡng chế trả con dấu cho công ty

Thứ Hai, ngày 8/4/2019 - 06:25

(PL)- Tòa và VKS thống nhất, thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế buộc trả lại nhưng người đang giữ con dấu nhất định không chịu.

Ông Nguyễn Hoàng Đông và ông Trương Chí Hiếu là thành viên sáng lập (mỗi người góp vốn 50%) Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hiếu Phụng (Công ty Hiếu Phụng) hoạt động từ năm 2001. Ông Hiếu là chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) đồng thời là giám đốc công ty.

Người quản công ty, người giữ con dấu

Theo ông Đông, ông Hiếu không thực hiện đúng chức trách vai trò của mình khi không họp HĐTV hằng năm, không bầu lại chủ tịch HĐTV hay giám đốc. Ông Hiếu tự quyết những vấn đề chi xuất không hợp lý, tự ý nâng tiền thuê quyền sử dụng đất và giảm tiền lương của thành viên công ty, không công khai tài chính, không chi lãi hằng năm cho thành viên,… Mọi hoạt động của công ty đều do ông Hiếu chi phối, quản lý mà không thông qua HĐTV.

Tháng 6-2018, ông Đông khởi kiện ông Hiếu tại TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu kiểm toán toàn bộ hồ sơ, sổ sách kế toán về hoạt động chi xuất của công ty, nếu sai thì ông Hiếu phải bồi thường cho công ty. Sau khi kiểm toán, ông Hiếu phải chia tiền lãi hằng năm 1/2 trong 85% lợi nhuận và giao lại quyền giám đốc và chủ tịch HĐTV cho ông Đông.

Ngược lại, ông Hiếu đề nghị tòa bác các yêu cầu của ông Đông. Ngoài ra, ông Hiếu còn cho rằng ông Đông đã tự ý lấy con dấu của công ty đem về nhà riêng tại quận Bình Tân, TP.HCM. Từ đó ông Hiếu phản tố yêu cầu ông Đông phải trả lại con dấu cho công ty để tiêu hủy và bồi thường hơn 40 triệu đồng do việc chiếm giữ trái phép con dấu.

trong khi chờ xét xử, ông Hiếu có đơn đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) buộc ông Đông phải trả lại con dấu cho công ty. Ngày 11-3, TAND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định ADBPKCTT (cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định) buộc ông Đông phải trả lại con dấu.

Ông Đông khiếu nại yêu cầu hủy quyết định này vì cho rằng nội dung quyết định trái với đơn phản tố bổ sung ngày 24-10-2018 của ông Hiếu là yêu cầu tòa hủy con dấu. Cạnh đó, ông Hiếu đã có những sai phạm trong quá trình điều hành công ty, ông Đông là thành viên nên được quyền giữ con dấu. Nếu buộc ông trả lại con dấu chẳng khác nào giúp cho ông Hiếu hợp thức hóa các hóa đơn, chứng từ để đối phó với kiểm toán. Ông này cam kết khi công ty có yêu cầu đóng dấu các văn bản, hóa đơn, chứng từ hợp pháp hợp lệ thì ông sẽ cho sử dụng con dấu.

Ngày 21-2, ông Đông cũng gửi đơn tố cáo đến công an tỉnh (có biên bản tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm) cho rằng ông Hiếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ...

Ly kỳ vụ cưỡng chế trả con dấu cho công ty - ảnh 1
Trụ sở Công ty Hiếu Phụng nơi xảy ra vụ tranh chấp. Ảnh: YẾN CHÂU

Đang cưỡng chế trả con dấu

Ngày 20-3, chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, cho rằng con dấu thể hiện vị trí pháp lý của doanh nghiệp, khẳng định giá trị pháp lý của các văn bản và các giấy tờ của công ty. Do vậy, không có con dấu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty. Theo quy định thì con dấu phải do người đứng đầu công ty, người đại diện hợp pháp của công ty, tức là ông Hiếu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng.

Sau đó Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Vĩnh Long ủy thác cho Chi cục THADS quận Bình Tân (TP.HCM) thi hành quyết định ADBPKCTT. Ngày 15-3, Chi cục THADS quận Bình Tân ra quyết định THA và quyết định cưỡng chế trả vật, cụ thể buộc ông Đông trả vật là con dấu cho Công ty Hiếu Phụng. Nhưng ông Đông không đồng ý và khiếu nại quyết định cưỡng chế.

Chi cục THADS quận Bình Tân cho rằng việc ông khiếu nại không làm vô hiệu quyết định có hiệu lực của tòa. Quyết định cưỡng chế trả vật căn cứ trên quyết định của tòa, đúng pháp luật và không bị VKSND quận kháng nghị. Việc ông khiếu nại sau này được tòa quyết định bằng bản án hay quyết định sẽ được thi hành theo yêu cầu của ông. Vì vậy, đề nghị ông Đông trả con dấu cho công ty, nếu không sẽ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo quy định của BLHS. Ông Đông cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại đến Cục THADS TP.HCM.

Ngày 5-4 vừa qua, pv Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ TAND tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu vụ việc. Theo cơ quan này, quyết định ADBPKCTT bị khiếu nại, tòa đã có trả lời và đây là quyết định giải quyết cuối cùng. Tòa bảo lưu quan điểm như trong quyết định giải quyết khiếu nại và từ chối trả lời thêm.

Liên hệ với VKSND tỉnh Vĩnh Long, cơ quan này cho biết đồng tình với quyết định ADBPKCTT vì tòa đã áp dụng đúng các căn cứ pháp luật theo đơn yêu cầu của bị đơn. Về việc ông Đông tố cáo ông Hiếu, VKS xác định chưa thụ lý tin tố giác này. Trong khi đó, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết Phòng Cảnh sát kinh tế đã thụ lý tin tố giác của ông Đông và đang điều tra. Khi nào có kết quả sẽ thông báo cho ông Đông sau.

Căn cứ để tòa bác khiếu nại của ông Đông

Trong văn bản giải quyết khiếu nại ngày 20-3, TAND tỉnh Vĩnh Long cho rằng theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu được thực hiện theo điều lệ công ty. Tại Điều 16 điều lệ công ty không có quy định cho ông Đông (thành viên công ty) có quyền quản lý, sử dụng con dấu. Khoản 3 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 1999 (có hiệu lực tại thời điểm thành lập công ty) quy định: Doanh nghiệp có con dấu riêng theo quy định của Chính phủ. Tại Điều 10 Nghị định 62/CP ngày 22-9-1993 về quản lý, sử dụng con dấu quy định: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo các quy định…

Tòa cho rằng theo các quy định trên thì ông Đông không phải là người chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu mà là ông Hiếu. Ông Đông cũng không phải là người trực tiếp được ông Hiếu giao con dấu để giữ, bảo quản. Ông Đông lo ngại ông Hiếu sử dụng con dấu sẽ hợp thức hóa hồ sơ, sổ sách, chứng từ nhưng lại không phải là người chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo quy định pháp luật. Từ đó, tòa giữ nguyên quyết định ADBPKCTT.

CHÂU YẾN



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn