Mang phụ huynh làm “bình phong” để lạm thu?

Thứ sáu, 19/10/2018 - 14:28

Không những “vẽ” ra nhiều khoản thu vô lý mà Trường Tiểu học Ba Đình (TP. Thanh Hóa) còn nâng mức thu cao “chót vót” khiến phụ huynh bất bình. Đáng nói, lãnh đạo trường này cho rằng đó là do phụ huynh “tự nguyện”.

Phụ huynh “hoa mắt” vì những khoản đầu năm

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ba Đình, TP. Thanh Hóa thì rất nhiều năm liên tục, trường này đưa ra những khoản thu rất vô lý như tiền chuyển điều hòa, tiền lắp cửa kính (hơn 10 triệu đồng/lớp), tiền học thêm trước năm học 200 nghìn đồng/học sinh (HS). Không những vậy, những khoản thu như xã hội hóa, tiền mua bổ sung đồ dùng bán trú được đưa ra rất cao 340 nghìn đồng/HS.

Ngoài ra, dù đã đóng tiền vệ sinh lớp học 14 nghìn đồng/HS nhưng vào năm học là HS phải đóng tiền vệ sinh đầu năm học. Đặc biệt là khoản tiền quỹ chồng quỹ như đã thu quỹ hội phụ huynh 400.000đ/năm/HS (trích 60.000đ/cháu/năm gửi về nhà trường, còn lại lớp giữ làm quỹ) rồi lại tiếp tục thu khoản quỹ lớp 500.000đ/HS…

Một phụ huynh bức xúc: “Năm nào cứ vào đầu năm học là con chúng tôi phải đóng một khoản tiền rất vô lý là tiền chuyển điều hòa. Vì điều hòa mua dùng cho cả quá trình học nên con lên lớp nào là chuyển lên lớp đó. Tại sao không để phụ huynh chúng tôi thỏa thuận đổi với lớp khác để đỡ bớt tiền công chuyển cho HS. Hơn nữa, lại còn thu rất cao, giá cho công vận chuyển và cộng thêm dây, ống đồng cũng không là bao nhưng thu của cả lớp tới hơn 3 triệu đồng. Hay không dùng quỹ lớp để chi cho khoản này.

Trường Tiểu học Ba Đình- nơi phụ huynh kêu trời vì lạm thu.

Trường Tiểu học Ba Đình- nơi phụ huynh "kêu trời" vì lạm thu.

Trong lớp cũng có phụ huynh chuyên làm điều hòa, phụ huynh nói để phụ huynh làm cũng chỉ hết hơn 1 triệu đồng nhưng giáo viên chủ nhiệm không đồng ý mà đòi thu vì bảo cả trường thuê như thế hết”.

“Con chúng tôi đã học đến lớp 2 rồi mà tiền mua bổ sung đồ dùng bán trú lên đến 340 nghìn đồng/cháu. Các con ăn thì ăn bằng bát sắt, bằng gô nhựa mà năm nào cũng kêu hỏng. Không biết hỏng kiểu gì, hỏng bao nhiêu mà năm nào cũng thu cao chót vót lên thế. Tổng nhà trường thu về số tiền nhân lên sẽ rất lớn, chúng tôi không hiểu tiền đó đi đâu” - một phụ huynh khác nêu quan điểm.

Cứ nói xã hội hóa là tự nguyện nhưng theo phản ánh của phụ huynh thì có lớp giáo viên chủ nhiệm đưa ra mức 350 nghìn đồng là thấp nhất, có lớp giáo viên chủ nhiệm đưa ra mức 500 nghìn. “Tại sao không dùng tiền xã hội hóa để chi vào những việc như vệ sinh lớp học đầu năm, làm cửa kính….”.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn bất bình việc giáo viên chủ nhiệm “xin” hỗ trợ 200 nghìn đồng tiền sách vở, bút cho con. “Cô bảo trong năm các con hết mực thì cô mua bút, hết vở thì mua vở nên xin phụ huynh hỗ trợ. Trong năm chúng tôi mua đầy đủ cho con, chẳng thiếu cái gì, thế nhưng cô xin thế thì cũng phải đóng, không ai dám có ý kiến vì nể” - phụ huynh nói.

Trên thực tế, hầu hết các lớp đã đóng tiền cho con cả năm học. Chưa tính những khoản “lặt vặt” chi trước đó từ đầu năm, HS trường này phải đóng đến tổng hơn 3 triệu đồng.

Nhà trường “đẩy tội” phụ huynh “tự nguyện”

Rất nhiều phụ huynh phản ánh việc giáo viên chủ nhiệm lạm quyền đứng ra thu hết tất cả các khoản, không để cho Hội Cha mẹ HS làm. Từ thu quỹ lớp, quỹ phụ huynh đến thu tiền chuyển điều hòa, làm cửa kính, xã hội hóa…

Đáng nói, rất nhiều khoản thu thế nhưng tại bảng công khai các khoản thu của nhà trường để phía cổng cho phụ huynh xem chỉ ghi hoạch toán tiền xã hội hóa giáo dục chứ không có bảng liệt kê những khoản thu.

Tại buổi họp phụ huynh, trường này cũng không in công khai các khoản thu mà giáo viên chỉ trao đổi bằng miệng.

 

Biển bản họp phụ huynh của các lớp viết theo khuôn mẫu giống hệt nhau và rất nhiều khoản thu không đưa vào biên bản.

Biển bản họp phụ huynh của các lớp viết theo khuôn mẫu giống hệt nhau và rất nhiều khoản thu không đưa vào biên bản.

Đặc biệt, tại các biên bản họp phụ huynh của các lớp, nội dung viết theo một khuôn mẫu giống hệt nhau. Rất nhiều khoản thu không được đưa vào biên bản và không thấy có bất kỳ bàn bạc nào của phụ huynh.

Thế nhưng, khi trao đổi với PV Dân trí, bà Đỗ Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường “đẩy” hết tội sang phụ huynh.

“Khoản chuyển điều hòa, cửa kính là do phụ huynh họ tự thỏa thuận với nhau để làm, cái này không phải chủ trương của nhà trường. Tiền thu học thêm trước năm học là do phụ huynh tự nguyện hỗ trợ giáo viên chứ nhà trường không yêu cầu. Tới đây, tôi sẽ tìm hiểu nếu phụ huynh không muốn sẽ yêu cầu giáo viên trả lại” - bà Hạnh cho biết.

Cũng theo bà Hạnh thì việc phụ huynh phản ánh phải đóng tiền vệ sinh lớp học đầu năm là do một số lớp có nhu cầu tranh trí lại lớp học, sơn lại tường nên họ tự thỏa thuận đóng. Trong khi đó, tại khoản tiền xã hội hóa được hoạch toán để chi “chắm vá nền lớp học” nhưng sơn sửa lại phòng học thì HS lại phải bỏ tiền ra làm.

 

Nhà trường chỉ công khai ngoài bảng tin hoạch toán của khoản tiền xã hội hóa.

Nhà trường chỉ công khai ngoài bảng tin hoạch toán của khoản tiền xã hội hóa.

Khoản thu xã hội hóa cũng được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình khẳng định thỏa thuận, tự nguyện, không cào bằng, giống như trong biên bản họp phụ huynh của tất cả các lớp. Nhưng khi PV yêu cầu bà Hạnh cung cấp sổ ghi chép khoản thu để thể hiện việc toàn bộ HS trong lớp phải đóng số tiền giống nhau thì bà Hạnh không cung cấp.

Tiền thu bổ sung đồ dùng bán trú được phụ huynh phản ánh quá cao trong khi HS cũ không thể “phá” đồ đến mức hư hỏng phải đóng đến hơn 300 nghìn cho việc mua bổ sung thì Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho biết cái này đã được kiểm đếm, hoạch toán từ cuối năm học trước và có sự chứng kiến của UBND phường.

Còn việc thu 150.000đ/HS để phục vụ bán trú, trong khi trường có đến hơn 1.000 HS thì bà Hạnh giải thích số tiền này chi cho rất nhiều khoản như trả công người nấu, phục vụ, ga…

Bà Hạnh cũng xác nhận việc phụ huynh phải đóng quỹ hội phụ huynh 400.0000đ/ năm và trích 60.000đ/HS/năm (khoảng 80 triệu) để phục vụ hoạt động của hội phụ huynh trường, còn lại sẽ dùng làm quỹ lớp chứ không thu thêm 500.000đ quỹ, dẫn đến tình trạng quỹ chồng quỹ như phụ huynh phản ánh. Theo bà Hạnh, có thể do phụ huynh hiểu nhầm khoản tiền này.

“Phụ huynh phản ánh giáo viên thu những khoản thỏa thuận của phụ huynh hay quỹ lớp… tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nếu đúng sẽ quán triệt các cô, phải để cho Hội Cha mẹ HS làm việc đó chứ giáo viên chủ nhiệm không được làm” - bà Hạnh cho biết thêm.



Tin tức liên quan

  • Thanh Hóa: Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý trường học đề ra “một rừng” khoản thu
  • Thứ năm, 24/05/2018 - 13:17
  • Mặc dù năm học 2017 - 2018 chuẩn bị kết thúc, tuy nhiên vì bức xúc trước việc nhà trường thu hàng loạt khoản vô lý nên tập thể phụ huynh Trường tiểu học Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa đã có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn