Mở hồ sơ sức khỏe điện tử: Người dân được lợi gì?

07/04/2021 10:55

Với hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi người sẽ tự quản lý được thông tin sức khỏe của chính mình và người thân, từ đó chủ động chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật.

Mở hồ sơ sức khỏe điện tử: Người dân được lợi gì? - Ảnh 1.

Phường 27, quận Bình Thạnh - nơi đầu tiên triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử ở TP.HCM. Trong ảnh: cán bộ phường đang thao tác nhập thông tin xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho cá nhân mình - Ảnh: H.T.

TP.HCM mới đây chọn phường 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi đầu tiên triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR), sau đó mở rộng triển khai đồng loạt các phường, xã còn lại của TP.HCM trong suốt giai đoạn 2022-2025. Ngành y tế TP đang kỳ vọng đến năm 2025 có ít nhất 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, ngành y tế TP ước tính tiết kiệm khoảng 20 tỉ đồng (tính theo kế hoạch dự trù kinh phí thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử trong năm 2021).

"Điều đặc biệt là người dân không phải tốn bất kỳ một chi phí nào cho công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ông Tăng Chí Thượng

Tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc

Trao đổi với Tuổi Trẻ về lý do chọn phường 27 (Q.Bình Thạnh) làm nơi "nổ phát súng" đầu tiên trong chiến dịch khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đây là địa phương có nhiều chung cư với hàng ngàn hộ dân sống tập trung nên rất dễ trong việc triển khai hướng dẫn cách làm mới. 

Và điều quan trọng không kém là qua khảo sát sơ bộ, dân cư khu vực này sử dụng điện thoại di động gần như 100%, điều rất cần cho việc tra cứu, khai báo online. Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến trong năm 2021 tất cả các phường, xã của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ lần lượt được lập hồ sơ sức khỏe.

Khác với nhiều tỉnh thành sử dụng phương tiện thủ công (khai báo qua giấy), ngành y tế TP.HCM có sáng kiến hoàn toàn mới là sử dụng mã QR code (mã vạch giải mã thông tin tốc độ cao) để người dân tự khai báo dữ liệu sức khỏe cơ bản qua điện thoại thông minh. 

Giải pháp này, theo ông Thượng, mang lại những lợi ích thiết thực, bao gồm tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí thực hiện và chất lượng dữ liệu đảm bảo chính xác hơn. 

"Lúc nào người dân mở điện thoại ra đều có thể khai báo tiền sử sức khỏe, và việc này hoàn toàn không phiền hà, mất thời gian khi chỉ xác nhận "có" hoặc "không" hoặc gõ số là xong", ông Thượng lý giải.

Dẫn chứng câu chuyện "không thể nhớ nổi" các tiền sử bệnh lý của cá nhân từ nhỏ đến nay, ông Thượng cho rằng với hồ sơ sức khỏe điện tử ngoài việc quản lý sức khỏe, mỗi cá nhân còn tự cập nhật được các biểu hiện bệnh lý cần lưu tâm theo thời gian.

"Như dị ứng với loại thức ăn nào mỗi người tự cập nhật vào hồ sơ. Khi khám chữa bệnh, nhân viên y tế sẽ có cơ sở nhận biết khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh các tai biến không đáng có. Hay như vấn đề tiêm chủng, đâu thể nhớ nổi nhưng khi mở hồ sơ sức khỏe thì việc này hoàn toàn dễ dàng", ông Thượng phân tích.

Và ở phạm vi lớn hơn, ông Thượng cho rằng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp ngành y tế nhận diện được mô hình bệnh tật của người dân. Như các tỉ lệ cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tiêm chủng ngừa COVID-19... từ đó chủ động có kế hoạch chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Dễ dàng tham gia

Từ cuối năm 2019 hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai đồng loạt cho toàn dân. Đến nay đã có trên 50 tỉnh thành bắt tay vào thực hiện nhưng chưa kết nối, liên thông. Dự kiến đến ngày 1-7 tất cả các hồ sơ sức khỏe điện tử phải được liên thông. 

Bộ Y tế cho biết sau liên thông tất cả các thông tin hồ sơ này sẽ được cá nhân hóa cho từng công dân; mỗi người sẽ có tài khoản, mã bảo mật để có thể truy cập cập nhật được các dữ liệu liên quan đến sức khỏe của mình.

Tại TP.HCM đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đó là lập dữ liệu hành chánh của hồ sơ sức khỏe có mã định danh. Theo Sở Y tế TP, giai đoạn này đơn vị sử dụng dữ liệu sẵn có từ nguồn dữ liệu BHYT do Bộ Y tế chuyển về. Mã định danh chính là số thẻ BHYT. Ngoài ra, với người dân chưa tham gia BHYT, ngành y tế cũng đang phối hợp UBND các quận, huyện cập nhật.

Sau giai đoạn này, ngành y tế TP.HCM sẽ bước vào các giai đoạn lập dữ liệu về tiền sử sức khỏe và các thông tin cơ bản về sức khỏe; cập nhật, liên thông dữ liệu sức khỏe khi người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế; các phòng khám của các cơ sở y tế khác hoặc sau khi nhập viện điều trị tại các bệnh viện. 

Trong quá trình thực hiện, ông Tăng Chí Thượng khẳng định sẽ mang tới sự tiện lợi, đơn giản nhất cho người dân để ai cũng có thể dễ dàng tham gia.

Cần tính toán bảo mật thông tin

Khẳng định thủ tục khám chữa bệnh hiện nay khá "cồng kềnh", chị Thanh Tuyền (32 tuổi, quận 10) cho biết trước đây mỗi lần đi khám bệnh, chị thường xuyên phải mua sổ khám bệnh, rồi ghi chép thông tin về tiền sử bệnh hay phải cầm các bệnh án cũ theo... Điều này theo chị rất mất thời gian.

"Nếu hồ sơ sức khỏe điện tử có thể tích hợp đầy đủ những thông tin trên thì rất tiện, tuy nhiên tôi cũng khá lo ngại về việc bảo mật thông tin trong bối cảnh không gian mạng phổ biến hiện nay. Khi muốn truy cập ứng dụng phải xác thực ra sao để đảm bảo an toàn thông tin cho cá nhân và gia đình là điều cơ quan chức năng cần tính toán nghiêm túc", chị Tuyền đề nghị.

Để đảm bảo tính bảo mật thông tin khi khai báo qua mã QR code, ngành y tế yêu cầu nhập OTP để khai báo. Còn về lâu dài sẽ nghiên cứu ứng dụng blockchain (cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp).

THU HIẾN

1-7: cả nước triển khai mở hồ sơ sức khỏe cá nhân phiên bản mới

 

bhyt

Từ 1-7, mọi thông tin về tiền sử sức khỏe của mỗi người dân Việt Nam sẽ được số hóa - Ảnh: D.PHAN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 2017 đến 2020 có 11 tỉnh thành triển khai chương trình "hồ sơ sức khỏe cá nhân" theo hình thức cũ, triển khai khám sức khỏe ban đầu để lấy dữ liệu đưa vào hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Từ đầu năm 2021 đến nay, triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân theo phiên bản mới, ban đầu đã có Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên thực hiện, ngày 15-4 tới đây có thêm Bắc Ninh, sau đó là Hà Nội và nhiều địa phương khác.

"Hồ sơ sức khỏe cá nhân phiên bản mới khác phiên bản trước ở chỗ tiếp cận người bệnh trước; phiên bản cũ tiếp cận người khỏe trước, tất cả những người cần mở hồ sơ sức khỏe cá nhân đều phải đi khám ban đầu và chi phí ban đầu để mở hồ sơ khá tốn kém.

Theo phiên bản mới, trường hợp người dân đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào, từ phạm vi phòng khám, cơ sở siêu âm, xét nghiệm trở lên thì sau khi hoàn thành đều có thể gửi dữ liệu về hồ sơ sức khỏe cá nhân" - đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đơn vị đang triển khai phiên bản mới, cho biết.

Hồ sơ mới cũng có nhiều mẫu tiếp nhận thông tin, ví dụ mẫu dành cho bệnh nhân tim mạch khác bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ có thai, sau khi tiếp nhận sẽ chuyển các module riêng, như bệnh đái tháo đường, tim mạch về nhóm bệnh mãn tính và có thể quản lý tại cộng đồng, phụ nữ có thai chuyển về nhóm bà mẹ - trẻ em...

Dự kiến từ 1-7 tới đây, phiên bản mới này sẽ triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước. Hiện nay khi triển khai tại từng địa phương, thì đến địa phương nào người dân của tỉnh, thành đó có thể tải app hồ sơ sức khỏe cá nhân để điền thông tin (mở hồ sơ sức khỏe cá nhân) và link với các hệ thống hiện có như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới đây là căn cước công dân.

Với hồ sơ sẵn có, người đi khám chữa bệnh sẽ không lo bị mất sổ khám bệnh sau mỗi lần đi khám, chữa bệnh, y bác sĩ cũng có thể theo dõi tiền sử khám, chữa bệnh những lần trước, tương tác thuốc từng gặp, kể cả các nguyện vọng như đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời cũng sẽ hiện diện trên hồ sơ sức khỏe.

L.ANH

HƯƠNG THẢO



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn