Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường ngoại hối

Thứ ba, 24/3/2020, 13:08 (GMT+7)

Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá bán USD gần 260 đồng trong sáng 24/3 nhằm can thiệp vào thị trường sau một tuần tỷ giá tăng liên tiếp.

Lúc 11h sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hạ giá bán USD 258 đồng so với hôm qua, sau khi đã giảm một đồng vào đầu ngày, xuống còn 23.650 đồng. Giá mua được giữ nguyên 23.175 đồng.

Động thái trên diễn ra sau khi Vụ chính sách Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp vào chiều 23/3 rằng cơ quan này sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức giá bán thấp hơn niêm yết để bình ổn thị trường ngoại tệ, sau một tuần tăng nóng.

Khảo sát của VnExpress lúc 13h chiều nay, giá mua bán USD tại các ngân hàng cũng hạ nhiệt 60-70 đồng. Cụ thể, Vietcombank yết giá bán USD là 23.690 đồng, giảm 70 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào được ngân hàng giảm mức tương tự về 23.500 đồng với tiền mặt và 23.530 đồng với hình thức chuyển khoản. Như vậy, so với cách đây 6 ngày, mỗi USD vẫn còn cao hơn 270 đồng.

Tương tự, mỗi USD được mua bán tại BIDV cũng giảm vài chục đồng cả hai chiều, xuống 23.540 - 23.700 đồng so với cuối ngày hôm qua...

Các điểm kinh doanh trên thị trường tự do tại Hà Nội và TP HCM hiện công bố giá dao động 23.770 - 23.900 đồng, giữ nguyên so với sáng hôm qua, nhưng hạ gần 100 đồng so với cuối ngày 23/3.

Tỷ giá trung tâm đang được Ngân hàng Nhà nước niêm yết 23.260 đồng, tăng một đồng so với hôm qua. Với biên độ +/- 3% theo quy định, giá sàn và trần mà các ngân hàng được phép giao dịch là 22.562 - 23.958 đồng. 

Bình luận về động thái của nhà điều hành, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự can thiệp này là giải pháp cần thiết trước mắt. Song theo ông, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng ở một mức cho phép trong bối cảnh nhu cầu USD tăng lên và thị trường tự do không tuân theo tỷ giá chính thức mà phụ thuộc cung cầu.

Người dân giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Q. Huy. 

Người dân giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Q. Huy. 

Theo ông Hiếu, nhu cầu USD của nền kinh tế đang tăng cao khi doanh nghiệp cần USD để thanh toán cho nhập khẩu, trong khi các nhà đầu tư lại rút khỏi thị trường tài chính Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước hạ giá bán USD sẽ giúp bình ổn tỷ giá, song chưa rõ sẽ thoả mãn được nhu cầu thị trường trong bao lâu với mức dự trữ ngoại hối trên 80 tỷ USD vào cuối 2019.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, tỷ giá có xu hướng tăng trong tuần gần đây khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Còn thanh khoản trong nước vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Vụ trưởng cho biết, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3. Trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương. Trong suốt năm 2019 và đầu 2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua USD vào khi tỷ giá ổn định và Vụ trưởng cho biết có đủ công cụ để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng cho rằng thanh khoản hiện nay khá ổn định. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh những ngày gần đây chủ yếu do tác động bởi thị trường thế giới. 

Giá USD bắt đầu tăng mạnh từ tuần trước, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần 2 xuống 0-0,25% khiến thị trường lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn đã kích hoạt trạng thái bán tháo tài sản để nắm tiền mặt, khiến chỉ số đồng bạc xanh không ngừng đi lên.

Quỳnh Trang



Tin tức liên quan

  • Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân
  • 27/05/2020 09:34
  • Ngày 26-5, đã diễn ra buổi họp báo “Công bố sự kiện Ngày không tiền mặt 2020” do báo Tuổi Trẻ, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp cùng Napas, Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM) tổ chức...


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn