Người lao động có quyền tự do chọn lựa tổ chức công đoàn

24/07/2019 11:43

"Khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong tương lai người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện...".

Người lao động có quyền tự do chọn lựa tổ chức công đoàn - Ảnh 1.

Nhiều lãnh đạo Đảng và lãnh đạo, đại diện các ban, ngành trung ương dự hội thảo 90 năm Công đoàn Việt Nam, sáng 24-7 - Ảnh: SƠN TÙNG

Đây là một trong 7 thách thức lớn mà tổ chức công đoàn đang và sẽ đối mặt, được ông Bùi Văn Cường - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam - nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển", tổ chức ngày 24-7.

Hội thảo do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng nhiều lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia… tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Cường cho rằng tình hình thế giới hiện diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

"Người lao động có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp. Yêu cầu của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao", ông Cường nói.

Theo chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, thách thức lớn nhất là công đoàn phải thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; phải đổi mới để hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn; phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó là những thách thức về nâng cao tiềm lực tài chính; đổi mới mô hình, tổ chức bộ máy; giữ vị thế độc tôn một tổ chức bảo vệ người lao động và thách thức về năng lực, kỹ năng của cán bộ công đoàn.

Trước những thách thức này, theo ông Cường, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động.

Người lao động có quyền tự do chọn lựa tổ chức công đoàn - Ảnh 2.

Nhiều lãnh đạo Đảng và lãnh đạo đại diện các ban, ngành trung ương dự hội thảo 90 năm Công đoàn Việt Nam, sáng 24-7 - Ảnh: SƠN TÙNG

Ông Nguyễn Xuân Thắng - bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đồng tình: Trước những biến đổi sâu sắc, nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và đất nước, nhất là trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổ chức công đoàn cùng với giai cấp công nhân và người lao động nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất mới.

"Bối cảnh đó cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho sứ mệnh và vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân và những người lao động", ông Thắng nhấn mạnh.

Rất nhiều trong số hơn 30 tham luận gửi về hội thảo cũng quan tâm và có những phân tích, đánh giá về thời cơ, thách thức mà bối cảnh mới đặt ra và đề xuất những định hướng lớn nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam...

ĐỨC BÌNH



Tin tức liên quan

  • Xây dựng thang, bảng lương phải có ý kiến của công đoàn
  • Thứ tư, 10/10/2018 - 06:03
  • Khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trước khi thực hiện, đối với doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì phải tham khảo ý kiến của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn