Nhiều người nghiện ma túy TP HCM tự ý ngưng điều trị

Thứ ba, 29/5/2018, 00:03 (GMT+7)

Từ 252 người đăng ký dùng Suboxone thí điểm điều trị nghiện, TP HCM hiện chỉ còn 42 người sử dụng.

Báo cáo với đoàn Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tại TP HCM ngày 28/5, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp cho biết đây là cơ sở điều trị Suboxone đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chương trình thí điểm sử dụng Subexone trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bắt đầu từ tháng 7/2015. Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp tiếp nhận 252 bệnh nhân đăng ký điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp không liên lạc được, suy thận, rút hồ sơ... nên trung tâm chỉ khởi liều được 183 người.

Theo bác sĩ Hòa, điều trị bằng Suboxone giúp cắt cơn nghiện sớm, không có sự tương tác thuốc khi điều trị Lao - ARV. "Có bệnh nhân hơn 60 tuổi, đã nghiện 50 năm không cai được, sau khi sử dụng thuốc này đã cắt cơn được", bác sĩ Hòa chia sẻ. Nếu loại thuốc được dùng phổ biến hiện nay là Methadone có thời gian bán hủy chỉ 24 giờ, bệnh nhân phải đến dùng thuốc mỗi ngày thì thời gian bán hủy của  Suboxone đến 72 giờ. Khi điều trị ổn thì số lần ngậm thuốc được rút ngắn 2-3 lần mỗi tuần. Điểm hạn chế là thời gian ngậm thuốc kéo dài từ 5 đến 30 phút. Viên thuốc to, vị thuốc đắng nên bệnh nhân kém tuân thủ. Hiện trung tâm chỉ còn 42 bệnh nhân điều trị, 2/3 bệnh nhân bỏ thuốc, 1/3 chuyển qua Methadone.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra hệ thống quản lý bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp ngày 28/5. Ảnh: Lê Phương.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra hệ thống quản lý bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp ngày 28/5. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tại TP HCM cho biết số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp.

Thành phố đang cung cấp dịch vụ điều trị Methadone tại 23 cơ sở với khoảng 5.240 bệnh nhân. Sức khỏe của bệnh nhân dần được cải thiện, người tuân thủ điều trị đều có tiến triển tốt về sức khỏe, tinh thần, ngoại hình, thể chất. Bệnh nhân ổn định được cuộc sống, 70% có việc làm. Các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được cải thiện đáng kể, giảm tần suất tiêm chích và tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm. Trước điều trị có 21% bệnh nhân có sử dụng chung bơm kim tiêm, sau 24 tháng điều trị chỉ còn 5% tiếp tục dùng chung bơm kim tiêm.

Theo bác sĩ Vân, khoảng 18% bệnh nhân tại TP HCM bỏ trị hằng năm, sau đó một số người quay lại điều trị. Bác sĩ đề xuất, khi bệnh nhân điều trị Methadone chuyển sang giai đoạn duy trì, các nhu cầu việc làm, vui chơi buộc bệnh nhân phải thường xuyên di chuyển đi xa. Việc xem xét nghiên cứu đưa Methadone viên nén vào điều trị là giải pháp thiết thực để hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ, đảm bảo khống chế tỷ lệ bỏ trị.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ủng hộ các cơ sở y tế đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn viện trợ từ các tổ chức nhằm tạo nguồn tài chính cho công tác cai nghiện, phòng chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh buôn bán thuốc phiện ngày càng tăng, bà Tiến đề nghị TP HCM đẩy mạnh việc cai nghiện, tăng tỷ lệ điều trị Methadone, mở rộng đến các cơ sở y tế xã phường.

Lê Phương



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn