Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư tự hào vì đi lên từ học nghề

Thứ năm, 16/08/2018 - 09:09

“Ngay tại Đức và Nhật Bản, nhiều doanh nhân, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi…”

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân chia sẻ tại chương trình Giao lưu trực tuyến “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau”, do Bộ LĐ-TB&XH và Báo điện tử Dân trí tổ chức chiều 15/8 tại Hà Nội.

Dừng việc chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp

Điều này nhằm lý giải việc học nghề là một kênh hướng nghiệp hợp lý với nhiều bạn trẻ. Đồng thời, học nghề cũng là cách để bạn trẻ có thể học lên trình độ cao hơn, khi bản thân đã hội tụ đủ điều kiện việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, để làm tốt điều này, một trong những việc cần làm ngay là thực hiện tốt công tác phân luồng từ cấp THCS. Điều này đã được kiểm chứng ở nhiều nước kinh tế phát triển. Theo đó, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao, thậm chí có nước đạt trên 50%.

“Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến 2020, khoảng 30% học sinh vào học nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn chiếm thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp và nhiều nguyên nhân khác nhau” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Phân tích hệ luỵ từ sai lầm trong việc quá coi trọng bằng cấp, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: “Trong một thời gian dài, chúng ta chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp. Dẫn đến hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển thị trường lao động. Hệ quả là chúng ta luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt”.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng. Điều này khiến không ít người trong xã hội coi cử nhân đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy.

Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh: “Thời gian tới, chúng ta phải phá bỏ lối tư duy này. Chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học”.

Trường nghề du lịch, kỹ thuật: Đắt hàng

Đánh giá về thực tế tuyển sinh ở các trường nghề, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: Thực tế hiện nay, nhiều trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng).

“Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, thời gian qua xã hội đã có những thay đổi, việc học nghề đã đi vào thực chất hơn. Học là để có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến lựa chọn người có năng lực phù hợp chứ không quan tâm nhiều đến bằng cấp” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

“Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng được cầu” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Trả lời câu hỏi việc bỏ điểm sàn trong xét tuyển đại học có ảnh hưởng tới chất lương tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Quân cho biết năm 2017 là năm đầu tiên các trường nghề tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Các trường nghề đã "lội ngược dòng" thành công.

“Ban đầu, nhiều người cho rằng khi đại học bỏ điểm sàn xét tuyển, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ không tuyển sinh được. Nhưng thực tế đã cho thấy xã hội đã nhìn nhận đúng khi lựa chọn trường lớp theo nhu cầu thị trường lao động. Đến thời điểm này, các trường nghề có kết quả tuyển sinh vượt trội so với những năm trước” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Theo Tồn cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 HS, trong đó có khoảng 85 - 90% là học sinh tốt nghiệp THCS.

Nhiều lựa chọn cho bạn trẻ tham gia giáo dục nghề nghiệp

Theo Thứ trưởng Lê Quân:

“Hết lớp 9, các em vào học nghề theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, kết hợp với học văn hóa. Như vậy, ở tuổi 18 các em hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật. Các em được miễn học phí học trung cấp nghề. Các em tiết kiệm được từ hai đến ba năm so với bạn bè vào học THPT.

Tại bất kỳ thời gian nào, các em hoàn toàn có thể học tiếp đại học liên thông với thời gian từ 1.5 đến 2 năm. Cơ hội thành công sẽ rất cao với các em học sinh có năng lực.

Hết lớp 12, các em vào học trung cấp với thời gian từ 1 đến 1,5 năm hoặc học cao đẳng với thời gian từ 2 đến 3 năm. Học phí các trường nghề thấp, thời gian thực hành thường chiếm trên 50%, học đi đôi với hành.

Cơ hội việc làm đúng ngành nghề thường đạt trên 80%. Rất nhiều trường cam kết việc làm với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng cho người học”.

Hoàng Mạnh



Tin tức liên quan

  • Gỡ rối chuyện chọn nghề cho sinh viên luật
  • Thứ Hai, ngày 26/8/2019 - 01:35
  • (PL)- Đặc thù của ngành luật là thị trường lao động có quá nhiều sự lựa chọn về ngành nghề khiến sinh viên bối rối. Vậy đâu mới chính là sự chọn lựa phù hợp nhất?


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn