'Nhóm thân hữu hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công, đất đai'

Thứ Sáu, ngày 25/5/2018 - 17:32

(PLO)- ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã lên án vấn nạn trục lợi chính sách như thế tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội diễn ra chiều nay, 25-5. 

“Có những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản nhưng được cơ chế, nhờ mối quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức có quyền nên được cấp cho mảnh đất mà không cần thông qua đấu giá hay phương thức, quy trình theo quy định. Nhờ vậy, DN này lại phất lên và hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn” -  ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã lên án vấn nạn trục lợi chính sách tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội diễn ra chiều nay, 25-5, như trên.


ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

ĐB Cương cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì cuộc họp với các địa phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp. Thực trạng theo lời Thủ tướng là cứ 100 vụ khiếu kiện thì có tới 95 vụ là khiếu kiện liên quan đến đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng. Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần, theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường nhưng tình trạng khiếu kiện không những không giảm mà còn gia tăng.

“Trước một thực tế là, với chính sách quy định giá hàng năm mà các tỉnh công bố chỉ bằng 10- 20% giá thị trường, rồi chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho DN, rồi DN làm hạ tầng, thậm chí có những nơi chẳng cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra với giá cao gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần, khiến cho người dân vô cùng uất ức và đi khiếu kiện khắp nơi cũng là điều dễ hiểu” – ĐB Cương nói.

Theo ĐB Cương, nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Không giải quyết thỏa đáng thì cũng khó phát triển bền vững, đặc biệt là có nhiều rủi ro cho xã hội.

Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí có đất không thể canh tác được, mà người dân vẫn không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống.

"Đó là chưa kể việc phải tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất, chứ việc bị thu hồi đất bấy lâu nay khiến một số lượng không nhỏ người dân không có đất sản xuất phải tự di cư đến các đô thị để làm thuê, làm mướn hoặc là khai thác khoáng sản, phá rừng hoặc buôn bán bất hợp pháp" - ĐB Cương nói.

Vị ĐB đoàn Ninh Thuận cho rằng việc thu hồi đất về mục đích an ninh quốc phòng và về mục đích công cộng là cần thiết, được người dân đồng tình cao nhưng còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế- xã hội, nhất là thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi. 

"Thay đổi cả cơ chế lẫn quy định của pháp luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay cho doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án phải lấy ý kiến của người dân chứ đừng để tình trạng như ở một số nơi khi thu hồi đất người dân vẫn không biết là có dự án như VTV đã đưa tin sáng nay” – ông nhấn mạnh.

Dẫn tình trạng đất công và cả nhà đất công sản đang là vấn đề nhức nhối bị phanh phui ở một số địa phương thời gian qua, ĐB Cương nói: “Trong một chương trình bàn tròn trực tuyến do báo Vietnamnet tổ chức, các chuyên gia đã cho rằng đây là một tệ nạn và đưa ra dẫn chứng có những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản nhưng được cơ chế, nhờ mối quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức có quyền nên được cấp cho mảnh đất mà không cần thông qua đấu giá hay phương thức, quy trình theo quy định. Nhờ vậy, DN này lại phất lên và hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn”.

Ông Cương cũng dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại hội nghị tổng kết của ngành tài chính đầu năm 2018: “Công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, có nhiều thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn có nhóm lợi ích làm phép để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công”.

Cũng theo ĐB Cương, thực trạng đáng lo ngại khác là vấn đề hợp đồng BT, nói gọn là đổi đất lấy công trình, đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có đất công ở vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp.

“Lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cộng đồng, nhưng thật đáng tiếc, hàng trăm, hàng nghìn hecta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài” – ĐB Cương nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn các tiêu cực từ vấn đề quản lý đất đai.

ĐỨC MINH



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn