Những ca sinh hy hữu năm 2019

Thứ ba, 24/12/2019, 05:05 (GMT+7)

Năm 2019 có nhiều ca sinh nở khá đặc biệt như sản phụ ung thư mổ ngồi bắt con;, cặp song sinh chào đời trong bọc ối hình trái tim...

Ca mổ ngồi bắt con cho sản phụ ung thư giai đoạn cuối

Chị Nguyễn Thị Liên mang thai 31 tuần, sức khỏe yếu, không thể cầm cự hơn, được bác sĩ ba bệnh viện trung ương gồm K, Việt - Đức, Phụ sản phối hợp mổ lấy thai, chiều 22/5.

Hơn 20 bác sĩ vây quanh chị. Họ là những chuyên gia đầu ngành của miền Bắc, cùng giúp chị vượt cạn trong ca mổ sinh hy hữu, sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư di căn vào phổi. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ, bác sĩ cũng không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được. 

Bé trai chào đời, đặt tên Bình An, được các bác sĩ cho thở oxy và đưa lên xe vận chuyển từ Bệnh viện K sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc đặc biệt. Người mẹ vẫn điều trị ở Bệnh viện K. Nửa tháng sau, mẹ mới đủ sức khỏe để ngồi xe lăn sang bệnh viện phụ sản thăm con.

Đến nay, sức khỏe chị Liên dần ăn uống tốt, tăng cân, hạch đã hết, khối u nhỏ đi. Bé Bình An đã được 4 kg. Sự hồi phục kỳ diệu của hai mẹ con được Phó giáo sư Trần Danh Cường, giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương nhận xét: "Đây là một ca kinh điển, chưa từng ghi nhận trong y văn".

Sản phụ Nguyễn Thị Liên trong ca mổ ngồi bắt con tại bệnh viện K. Ảnh: Hà Trần

Sản phụ Nguyễn Thị Liên trong ca mổ ngồi bắt con tại bệnh viện K. Ảnh: Hà Trần

Sản phụ Việt mang bồn nước đến viện sinh con

Mai Linh 25 tuổi, người Việt sống ở Philippines, lên kế hoạch sinh con trong nước. Trong tuần 37 của thai kỳ, Linh chủ động bàn bạc với bác sĩ. Họ yêu cầu vợ chồng cô soạn ra Birth plan (kế hoạch sinh con) và phải được chữ ký chấp thuận của bác sĩ trưởng khoa sản, phó khoa và bác sĩ phụ trách ca sinh. Đây là thủ tục bắt buộc của bệnh viện cho sản phụ muốn sinh con dưới nước. Bảng kế hoạch gồm các mong muốn của Linh như sinh con trong nước, phát nhạc thiền khi đẻ, chọn tư thế ngồi xổm hoặc bò để sinh,...

Khi được sự đồng ý của bệnh viện, vợ chồng Linh bắt đầu sắm sửa các dụng cụ như bể bơi dạng phao, máy bơm hơi, cục làm ấm nước, ống nước... Tất cả đều sẵn sàng để chuẩn bị cho lần vượt cạn dưới nước này.

Ca sinh dưới nước của sản phụ Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ca sinh dưới nước của sản phụ Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rạng sáng 4/8, Linh có những cơn gò chuyển dạ đầu tiên. Khi tử cung đã mở được 4 phân, cơn gò giảm 3 phút một lần, cô được đưa đến phòng sinh cá nhân cùng hai bác sĩ và 6 điều dưỡng hỗ trợ.

Chồng cô bắt đầu bơm hơi và dẫn nước vào bồn. Nước được giữ ấm ở nhiệt độ 37 độ C và lưu thông liên tục. Nước ấm sẽ giúp sản phụ giảm bớt đau đớn và thoải mái hơn trong quá trình rặn em bé ra ngoài. Cô từ từ bước vào bồn, ngồi xổm, quỳ gối, chống tay xuống. Tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, Linh thả lỏng thư giãn cơ thể và bắt đầu rặn.

Chưa đầy 5 phút sau, bé gái nặng 3,45 kg ra đời, được cha tự tay đỡ rồi đưa lên ngực mẹ, da kề da và bú sữa mẹ ngay. Sau thủ tục đo đạc các chỉ số của bé, lấy nhau thai, Linh được đưa về phòng nghỉ ngơi và về nhà lúc 19h cùng ngày.

Chồng đỡ đẻ cho vợ bên vệ đường

Anh Lương Văn Siêng 25 tuổi, là một cán bộ y tế thôn bản ở vùng cao huyện Tương Dương, Nghệ An quyết định tự đỡ đẻ cho vợ ven đường bởi không kịp đến viện nữa. Đường từ nhà của anh đến bệnh viện ở huyện Quế Phong xa hơn 50 km, ngày 8/10 trời mưa giông rất lớn, vắng người qua lại trong khi mới đi được hơn nửa đường. Vợ anh là chị Hiền liên tục kêu đau không thể tiếp tục ngồi vững. Anh Siêng tấp xe vào vệ đường, dùng áo mưa quấn thêm để vợ khỏi cảm lạnh, cố trấn tĩnh để hướng dẫn vợ "vượt cạn".

Đỡ con ra ngoài xong, ông bố trẻ đưa bé cho vợ bế, còn mình vội chạy đến nhà người dân gần đó xin một lưỡi dao lam rồi quay lại cắt rốn cho con. Sau khi đón con chào đời, anh Siêng gửi lại xe máy ở nhà người dân rồi tiếp tục đón taxi đưa hai mẹ con vào bệnh viện để chăm sóc hậu sản. Bé trai nặng 2,9 kg, sức khỏe tốt. Vợ chồng anh đặt tên con là Lương Xuân Đường để làm kỷ niệm.

Nhiều ca sinh khác do tài xế đỡ đẻ như câu chuyện của tài xế Ngô Viết Hà (53 tuổi) đón sản phụ Hoàng Thị Huy (29 tuổi, Quảng Trị) đến bệnh viện để sinh ngày 26/9. Xe đi được khoảng một km thì sản phụ kêu đau bụng, được tài xế cùng với mẹ của sản phụ đỡ đẻ ngay trên xe. Ngày 21/10, tài xế Hoàng Việt Cường 30 tuổi, Thanh Hóa đỡ đẻ cho sản phụ trên xe, cởi áo ủ ấm cho em bé rồi lái xe đến bệnh viện và gọi bác sĩ kịp thời.

Thai nhi chào đời trong bọc ối hình trái tim

Ngày 12/11, khi mổ đẻ cặp song sinh, bác sĩ Đỗ Tiến Dũng ở Bệnh viện Bưu điện bất ngờ phát hiện một bé nằm nguyên trong bọc ối hình trái tim, bé còn lại vỡ ối bình thường.

Theo bác sĩ Dũng, sinh con trong bọc ối là hiện tượng hiếm gặp, chiếm khoảng 1/80.000 ca sinh nở, dân gian Việt Nam gọi là "đẻ bọc điều". Bé chào đời trong bọc ối có nhiều dạng như nằm trọn cơ thể trong bọc hoặc chỉ một phần của cơ thể. Em bé nằm trọn trong bọc ối khi sinh mổ càng hiếm gặp, đặc biệt hơn nữa là ca song sinh chỉ có một bé trong bọc ối.

Ngoài ra, khi sinh mổ dao sẽ làm vỡ bọc ối, riêng trường hợp của sản phụ này thì bọc ối có cấu tạo dai hơn bình thường.

Đôi song sinh gái, một bé nặng 3kg, một bé nặng 2,9 kg được xuất viện sau 4 ngày, sức khỏe ổn định.

Thai nhi chào đời trong bọc ối hình trái tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thai nhi chào đời trong bọc ối hình trái tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sản phụ suýt mất con khi đòi 'sinh thuận tự nhiên'

Sản phụ thai 40 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Các bác sĩ nhận định sản phụ không thể sinh tự nhiên qua ngả âm đạo, chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho thai nhi.Tuy nhiên, sản phụ và gia đình muốn "sinh thuận tự nhiên" và ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi có trường hợp xấu xảy ra.

Sau hai giờ nhập viện, sản phụ bị vỡ ối, nước ối vàng, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai rất nhanh. Lúc này, bác sĩ trực đánh giá sản phụ chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào. Gia đình đưa ra rất nhiều yêu cầu như không được thăm khám âm đạo, không được tiêm kháng sinh hay truyền hạ sốt cho sản phụ, không được tiêm vắcxin cho con khi chào đời, không cho con bú sữa bình...

Đến khi dấu hiệu nguy hiểm lên thai nhi mức báo động, lãnh đạo Khoa kiên quyết giải thích nếu không mổ lấy thai, em bé sẽ tử vong. Lúc này, sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp. Ca mổ thành công nhưng do vỡ ối lâu, hai mẹ con đều phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải được hỗ trợ hô hấp.

Bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mọi người nên tôn trọng chỉ định y khoa, bác sĩ can thiệp vào những lúc cần thiết và là can thiệp an toàn. Sản phụ và gia đình nên tham khảo thông tin có chọn lọc, tuân thủ theo quy trình, quy định, phác đồ bệnh viện. Các bà mẹ không nên quá cực đoan theo một trường phái nào, tránh việc nhận thức chưa đầy đủ khiến mẹ và bé rơi vào tình trạng nguy cấp.

Thùy An



Tin tức liên quan

  • Thời hạn thanh toán chế độ thai sản
  • Chủ nhật, 25/02/2018 - 08:00
  • Tôi là giáo viên cấp II, nghỉ sinh con từ ngày 22/7/2017, nộp hồ sơ thanh toán chế độ thai sản từ ngày 7/8/2017 nhưng đến nay kế toán trường chưa nộp hồ sơ để thanh toán chế độ thai sản cho tôi. Tôi xin hỏi, theo quy định sau thời gian bao lâu tôi được thanh toán chế độ thai sản?

  • Từ 1/7: Thay đổi 6 chính sách về tiền lương, BHXH và BHYT
  • Thứ tư, 27/06/2018 - 09:09
  • Mốc thời điểm 1/7 đánh dấu nhiều việc tăng lương cơ sở của người lao động từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Mức điều chỉnh này có tác động lớn tới sự thay đổi mức đóng - hưởng của nhiều quy định trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn