Những chuyển biến tích cực của dự án LIFSAP TP HCM

Thứ tư, 28/2/2018 | 08:00 GMT+7

Tham gia dự án LIFSAP, nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển đàn heo.

Vùng GAHP thuộc dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm" (LIFSAP) đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho ngành chăn nuôi tại TP HCM.

Ban quản lý LIFSAP cho biết, báo cáo gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển TP HCM, gần 8 năm thực hiện, dự án LIFSAP đã mang lại hiệu quả trong công tác phát triển ngành chăn nuôi. Là một hợp phần của dự án, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cấp nông hộ (GAP) đã hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Tham gia quy trình GAP, các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, phát triển đàn heo.

Thay vì chăn nuôi từng hộ đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm, hiện nay, nông dân đã biết liên kết nhau để thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giúp đỡ, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên. Các hoạt động này giúp ngành chăn nuôi của thành phố tăng trưởng đều theo từng năm, khống chế được dịch bệnh trên đàn nuôi, cải thiện kinh tế và chất lượng đời sống người dân.

Đàn heo được nuôi theo quy trình VietGAP của dự án LIFSAP.

Đàn heo được nuôi theo quy trình VietGAP của dự án LIFSAP.

Dự án LIFSAP ra đời ngay thời điểm thịt sạch đang là vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và luôn tìm kiếm nguồn thịt an toàn để sử dụng trong gia đình. Trước tình hình đó, nông dân đã hiểu tác hại của chăn nuôi không an toàn, dần chuyển sang phát triển đàn nuôi theo hướng an toàn, bởi thịt sạch dễ được người tiêu dùng đón nhận hơn.

Thực hiện theo quy trình GAP, người chăn nuôi được cán bộ dự án hướng dẫn, tập huấn cách nuôi an toàn, cấp phát sổ sách ghi chép, thẻ tai, thuê đơn vị độc lập đánh giá chứng nhận GAP... Đây là nền tảng cho nông dân có thể tự tay làm được khi kết thúc dự án.

Từ hiệu quả thiết thực đem lại, vùng GAP trên địa bàn thành phố ngày càng được mở rộng. Lúc đầu, người dân còn bỡ ngỡ với số lượng tham gia ít. Tuy nhiên, hiện toàn thành phố đã có 990 hộ tham gia GAP, trực thuộc 6 tổ hợp tác: An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, An Phú, Phạm Văn Cội, Phú Mỹ Hưng và một hợp tác xã Tiên Phong đã thành lập từ trước. Tất cả đều tham gia dự án LIFSAP để thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn.

Đại diện dự án LIFSAP, dù ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển mình tích cực trong thời gian gần đây, nhưng đánh giá một cách tổng thể thì chăn nuôi heo TP HCM vẫn tồn tại những mặt khó khăn. Đầu tiên là khâu liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa đạt như kỳ vọng. Hiện tại, tổ chức đầu ra chưa bền vững và đều khắp trên địa bàn thành phố. Giá bán thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP của LIFSAP vẫn không cao hơn thịt heo bình thường; chưa có hình ảnh, biểu tượng chung về sản phẩm heo VietGAP để người dân dễ dàng nhận biết.

Để ngành chăn nuôi của TP HCM phát triển trong thời gian tới, dự án LIFSAP đang triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung ở ba vấn đề lớn cần giải quyết triệt để, gồm: xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ đàn heo giống sinh sản có năng suất chất lượng cao. Hoạt động này nhằm giảm giá thành sản xuất heo thịt, giá bán thành phẩm hợp lý, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế, cung cấp nguồn thịt chất lượng cao cho thị trường.

(Nguồn: Dự án LIFSAP)



Tin tức liên quan

  • Bộ trưởng Tài chính "hứa" không tăng thuế VAT lên 11-12%
  • Thứ bảy, 26/05/2018 - 16:00
  • Bộ trưởng Tài chính cho biết, về Luật Thuế giá trị gia tăng tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia, các cơ quan giữ mức thuế phổ thông là 10%, không nâng mức thuế giá trị gia tăng này lên 11% đến 12% như dự thảo ban đầu.

  • WHO không khuyến nghị đánh thuế lên nước ngọt
  • Thứ tư, 11/07/2018 - 15:40
  • Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm năm 2018 được công bố tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến nghị các quốc gia đánh thuế lên thực phẩm và đồ uống có đường vì mục đích bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

  • Phân bón sẽ được áp 5% thuế VAT
  • 06/06/2018 14:36 GMT+7
  • TTO - Bộ Tài chính cho biết tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật thuế, phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5%.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn