Những dấu hiệu cảnh báo và phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư

16/01/2018 14:45 GMT+7

Có những phương pháp điều trị giúp cho người bị ung thư giảm các triệu chứng khó chịu như lo lắng, mệt mỏi, giảm cảm giác buồn nôn, đau đớn, mất ngủ…

Những dấu hiệu cảnh báo và phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư - Ảnh 1.

Tập yoga cũng rất hữu ích để giảm bớt các triệu chứng của bệnh ung thư. Ảnh: nadiaraafat.com

Hiện nay theo một số nhận định của các nhà nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ bệnh ung thư gây tử vong hằng năm ở các nước đang phát triển được xếp hàng thứ hai sau bệnh tim mạch. Ung thư là một bệnh nguy hiểm giết người, đặc điểm của bệnh là giai đoạn sớm các biểu hiện thường rất kín đáo và im lìm, không có biểu hiện gì ác tính, cho đến khi bệnh bùng phát cho mọi người thấy rõ, thì lúc này nó đã là một bệnh khó chữa và chẳng lành chút nào. Tuy nhiên, nếu người bệnh được phát hiện sớm và chẩn đoán lúc nó còn im lìm chưa lan ra nơi khác thì bệnh sẽ được điều trị tốt và có khả năng khỏi rất cao. Do vậy, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc các triệu chứng báo động đầu tiên của bệnh ung thư và một số phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư

1. Có sự thay đổi thói quen của ruột và bọng đái

Nếu có sự thay đổi về tiêu hóa của ruột như là khó tiêu, nặng bụng hoặc khi bị tiêu chảy, lúc thì táo bón, nếu xảy ra ở người > 40 tuổi, mà từ trước tới nay tiêu hóa vẫn bình thường mà đột nhiên bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, đã kiêng cữ và đã điều trị đúng cách nhưng vẫn còn xáo trộn tiêu hóa dai dẳng. Đôi khi thấy máu lẫn trong phân khi đi tiêu. Đó có thể đó là những biểu hiện sớm của bệnh ung thư ruột già hoặc ung thư ruột cùng.

Nếu có các biểu hiện khác thường ở bọng đái như tiểu ra máu, tiểu khó, tiểu gắt hoặc tiểu nhiều lần trong ngày. Hãy cảnh giác với ung thư bàng quang hoặc là ung thư tuyến tiền liệt nếu xảy ra ở người cao tuổi.

2. Vết loét không chịu lành

Nếu có những vết loét không lành xuất hiện ở trong vùng miệng (môi, lưỡi, nướu răng, mặt trong của má, họng) ở những người nghiện thuốc lá nặng hoặc có thói quen ăn trầu nhiều, nếu sau thời gian điều trị tích cực 2- 3 tuần lễ mà vết lở loét vẫn không chịu lành, thậm chí còn tăng thêm. Đó có thể là các triệu chứng báo động của ung thư vùng môi miệng.

3. Triệu chứng chảy máu hoặc tiết dịch bất thường

Rong huyết ở phụ nữ >30 tuổi có gia đình và sinh đẻ nhiều lần hoặc là người đã tắt kinh từ lâu, nay đột nhiên thấy máu ra ở âm đạo. Nên cảnh giác có thể là triệu chứng báo động của ung thư sinh dục.

Đi cầu ra máu, phân lẫn máu có màu đỏ, đôi khi có dính đàm nhớt. Nên đi khám hậu môn, trực tràng để chẩn đoán phân biệt với các  bệnh khác có thể nhầm với bệnh ung thư trực tràng như là trĩ nội, viêm đại tràng mãn tính…

Ứa nước hoặc chất nhờn hoặc máu ở đầu núm vú, thường do viêm hoặc do một ung thư nhỏ nằm trong ống tuyến sữa, gây ra sự kích thích bài tiết dịch ở núm vú.

Chảy máu răng, có khi tự nhiên rướm máu ở chân răng, chảy máu do súc miệng hoặc đánh răng cũng làm chảy máu một cách bất thường. Nên đến nha sĩ, bác sĩ sớm để xác định bệnh về răng và loại trừ bệnh ung thư.

Chảy máu dưới da, biểu hiện là các chấm đỏ li ti ngoài da, hoặc là các mảng bầm tím, rồi sau đó biến thành màu vàng xanh. Đó là triệu chứng  bất thường của các bệnh về máu và các nguyên nhân khác. Vì vậy chúng ta nên đi khám bệnh sớm để phát hiện các bệnh nguy hiểm về máu.

4. Một chỗ dày lên hoặc cục u ở vú hoặc một chỗ nào khác trên cơ thể

Phát hiện một cục u ở vú, đối với một phụ nữ hơn 30 tuổi hoặc tự sờ thấy trong vú mình có một cục u cứng không đau. Nên đi khám bác sĩ sớm để được loại trừ ung thư vú.

Cục u ở tay chân, thành bụng, trên lưng, thường là một bướu lành nếu sờ vào thấy mềm nhão. Ngược lại cục u tròn, hơi cứng di động dưới da, cắt đi rồi sau đó lại tái phát, có thể là ung thư dạng Sợi (saccôm sợi) hoặc là một loại ung thư da nguy hiểm.

Nếu ở vùng cổ nổi hạch, thường là những cục tròn bằng đầu ngón tay hoặc lớn hơn, nổi hạch ở hai bên cổ, sờ vào thấy di động dưới da, không đau, thường là hạch lao hoặc hạch ung thư chạy lên cổ. Nếu có triệu chứng này phải đi khám bệnh sớm.

5. Ăn không tiêu hoặc khó nuốt

Người bệnh nuốt khó hoặc thấy khó chịu khi nuốt thức ăn đặc hoặc thức ăn lỏng, mọi cảm giác khó chịu vướng vít ở cổ khó nuốt. Hãy đi khám bệnh để chẩn đoán sớm ung thư thực quản.

Nếu có biểu hiện ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đầy bụng kéo dài, nhất là những người trên 40 tuổi, giới nam, nên khám bệnh và làm nội soi dạ dày để tầm soát ung thư dạ dày.

6. Thay đổi rõ ràng tính chất của mụn ruồi

Nếu mụn ruồi, đột nhiên lớn nhanh, đau, ngứa, dễ chảy máu khi đụng tới. Hãy nên đi khám bác sỹ chuyên khoa. Tránh không nên tự đốt phá nốt ruồi bằng cách dùng nhang châm vào hoặc bôi vôi ăn trầu, có thể làm cho ung thư lan ra rất nguy hiểm.

7. Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng

Khi ho dai dẳng ở người  trên 40 tuổi, hút thuốc nhiều hoặc ở người thường xuyên tiếp xúc với các chất khói bụi công nghiệp như amiăng, chất urani hoặc ho có kèm theo máu mà không rõ nguyên nhân. Hãy cảnh giác và nên đi khám bệnh để chẩn đoán ung thư phổi và các nguyên nhân khác.

Khàn tiếng nếu kéo dài 2-3 tuần mà điều trị không khỏi, ở người đàn ông có thói quen hút thuốc nhiều hoặc uống rượu nhiều, đột nhiên khàn tiếng mà không do cảm cúm hay viêm họng. Đấy có thể là báo động của ung thư thanh quản.

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư

Ung thư chủ yếu được điều trị bằng phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ khối u và sau đó trị liệu bằng hóa chất. Tuy nhiên, có một số phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư như tập luyện, thảo dược, châm cứu… Những phương pháp điều trị này chắc chắn sẽ giúp cho người bị ung thư giảm các triệu chứng khó chịu như lo lắng, mệt mỏi, giảm cảm giác buồn nôn, đau đớn, mất ngủ, căng thẳng...

Trong Y học cổ truyền dùng các bài thuốc có tác dụng "bổ khí huyết, kiện tỳ lý khí" để hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho những bệnh nhân sau điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, hóa trị. Một số bài thuốc đã được chứng minh có kết quả làm kéo dài thêm thời gian sống của người bệnh được tốt hơn. Ngoài ra, những vị thuốc như: Thiên hoa phấn, Ban miêu, Bạch hoa xà thiệt thảo, Nga truật, Trư linh, Ngô công, Thiềm tô đã được ứng dụng điều trị nhiều loại ung thư; hoạt chất của cây Dừa cạn có tác dụng điều trị ung thư máu;  cây Thông đỏ và cây Hoàng cung trinh nữ, có tác dụng hỗ trợ chữa ung thư sinh dục cho kết quả tốt… Bên cạnh đó, thảo dược còn chứa tinh dầu giúp thư giãn và giảm đau đớn, căng thẳng, khó ngủ ở những bệnh nhân bị ung thư.

Phương pháp tập luyện dưỡng sinh cũng rất hữu ích để giảm bớt các triệu chứng của bệnh ung thư. Người bệnh có thể tập yoga, thiền định và tập kỹ thuật thư giãn. Một số trường hợp người bệnh nếu kiên trì tập luyện tốt, sẽ giảm cảm giác mệt mỏi, cảm giác buồn nôn và lo âu. Nếu người bệnh quyết định tập luyện nên tìm một huấn luyện viên có kinh nghiệm để hướng dẫn các bài tập. Không nên tập những động tác khó, nặng nhọc, mà phải tập từ từ mỗi ngày, từ thấp tới cao, các động tác từ ít tới nhiều. Tốt nhất là người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ đang theo dõi điều trị.

Phương pháp châm cứu cũng đã chứng minh có thể giảm bớt các triệu chứng đau nhức trong giai đoạn ung thư đã di căn hoặc giảm triệu chứng buồn nôn khi bệnh nhân đã trải qua giai đoạn hóa trị liệu.Trường hợp áp dụng châm cứu, thầy thuốc sẽ dùng châm kim vào một số huyệt nhất định, tùy vào vị trí đau và tình trạng sức khỏe người bệnh.

Ung thư là một căn bệnh đáng sợ ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bệnh ung thư không có các biểu hiện và triệu chứng rõ ràng, khiến ai cũng coi thường và bỏ qua các dấu hiệu báo động. Do vậy, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nêu trên, chúng ta nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được tư vấn, khám nghiệm và chữa trị kịp thời nếu mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.



Tin tức liên quan

  • Nghệ An: Trời rét đậm, trẻ “ùn ùn” nhập viện
  • Thứ ba, 16/01/2018 - 14:20
  • Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến số trẻ nhập viện khám và điều trị tăng cao. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận trên 1.000 bệnh nhân, trong đó số trẻ bị bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng chiếm phần lớn.

  • Ô nhiễm không khí - thủ phạm của bệnh hô hấp
  • 14/01/2018 17:09 GMT+7
  • TTO - Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng (cấp thời, lâu dài) đến sức khỏe con người (đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người già, người mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch…) như thế nào?

  • Bộ Y tế đề xuất lập hồ sơ sức khỏe cho từng người dân
  • Thứ sáu, 12/01/2018 - 15:15
  • Bộ Y tế đề xuất lập hồ sơ sức khỏe đối với từng người dân. Trong đó, quy định việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân từ khi mới sinh và tích hợp dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn