Những người đón tết trên biển

24/01/2019 15:10

Trong khi dòng người hối hả ngược xuôi về nhà đón tết, có những người lính lại lặng lẽ tiến ra biển.

Những người đón tết trên biển - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9001 gói bánh chưng đón tết - Ảnh: THẮNG BÙI

Để mang đến niềm vui cho ngư dân đón tết thì anh em mình trực ở đây, cũng là niềm tự hào mà không phải người lính nào cũng có được.

Đại úy BÙI VĂN THẮNG

Họ sẵn sàng nhường cái tết của mình, âm thầm làm nhiệm vụ giữa đại dương để mang đến sự an tâm, vững chắc cho ngư dân ngoài khơi xa.

Cái tết cứu sống 12 ngư dân

"Mình đã có ba cái tết ngoài biển nhưng tết năm 2018 là đặc biệt nhất vì tàu xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ ở khu vực đảo Phú Quý từ ngày 31-1-2018, đến nơi là ngày 1-2 thì 12h45 ngày 3-2, tức ngày 18-12 âm lịch, tàu nhận được thông tin đi cứu tàu cá BĐ 95066 TS bị nạn, đang chìm, trên tàu có 12 ngư dân ở đảo Phú Quý" - đại úy Bùi Văn Thắng, chính trị viên tàu Cảnh sát biển (CSB) 9001 (Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3), kể.

Vị trí mà tàu BĐ 95066 TS bị nạn cách đảo Phú Quý 30 hải lý về phía tây nam. Nhận được lệnh của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, tàu CSB 9001 xuất phát với tốc độ cao nhất đi cứu tàu cá bị nạn. Lúc này gió đông bắc cấp 6, cấp 7, biển động, tầm nhìn xa hạn chế. Trên đường đi, tàu đã nhiều lần liên lạc với tàu cá bị nạn nhưng không thể liên lạc được.

Đến 16h45 ngày 3-2-2018, tàu CSB 9001 đã tìm được tàu cá bị nạn trong tình trạng đang chìm, chỉ còn thấy nóc cabin tàu! Các ngư dân thì dồn hết lên chóp cabin vẫy tay kêu cứu! "Việc tiếp cận tàu cá rất khó khăn vì sóng càng lúc càng lớn mà hai tàu chỉ cách nhau khoảng chục mét. Sóng cao từ 4-5m, nếu không cẩn thận, nguy cơ hai tàu bị va đập rất cao. 

Lúc này cán bộ chiến sĩ cũng đã thấm mệt. Nhưng cứu người là trên hết, tất cả lại cùng đoàn kết vượt qua khó khăn" - đại úy Bùi Văn Thắng kể. Thuyền trưởng cho tàu cập trước sóng trước gió, thả phao bè sang tàu cá để ngư dân bám vào bơi về tàu CSB và được các chiến sĩ cảnh sát biển kéo lên tàu.

Ở lần tiếp cận đầu tiên, khi đã cứu được 10 thuyền viên thì tàu CSB 9001 bị trôi dạt ra xa. Khi quay lại tiếp cận lần thứ hai để cứu hai thuyền viên còn lại thì có lẽ vì còn trẻ, tàu bị chìm từ lúc 12h trưa, bị đói, hoảng loạn nên lúc đó hai ngư dân này đã mất bình tĩnh, không dám bơi sang, cứ đứng trên chóp cabin. 

Đại úy Bùi Văn Thắng cho hay: "Chúng tôi phải liên tục động viên qua loa công suất lớn, bảo các anh cố gắng bám vào dây, chúng tôi sẽ cứu. Nếu cứ đứng đó tàu sẽ chìm cũng sẽ chết... Đến 17h30 chúng tôi mới đưa hai người còn lại lên tàu được. Toàn bộ 12 ngư dân đã được đưa lên tàu an toàn và được quân y của tàu kiểm tra và chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần".

Đại úy Thắng xúc động kể: "Tết, ngư dân mang cá, gà đến cảm ơn, bảo anh em cảnh sát biển đã cứu sống chúng tôi để còn trở về đón tết. Biết bà con ngư dân một nắng hai sương và thậm chí đánh đổi cả tính mạng mới có được con cá con mực, chúng tôi cảm ơn, nói bà con đã rất vất vả rồi mà cán bộ chiến sĩ thì đã có chế độ tiêu chuẩn nên anh em không nhận đâu, bà con mang về dùng tết... Trước giao thừa, tàu chúng tôi mời một số ngư dân quanh đó đến dự giao thừa sớm trên tàu. 

Chúng tôi và bà con ngư dân cùng hát chung một số bài, ăn bánh kẹo, bánh chưng, trò chuyện hỏi thăm quê quán gia đình. Ngư dân vất vả lắm. Một số tàu chỉ kịp chạy về đảo đón giao thừa chứ chưa kịp chuẩn bị gì cho tết. Tàu san sẻ lương thực thực phẩm cho hai tàu cá một số ruốc thịt, rau củ quả... 

Sáng mùng 1 tết, một số ngư dân ở gần sang tàu chúc tết nên dù trực xa nhà ngày tết, tình cảm đó của bà con ngư dân cũng khiến anh em cán bộ chiến sĩ thấy ấm lòng hơn".

Giao thừa trên biển

Từ khi ra trường năm 2010 cho đến nay, chỉ có một năm đại úy Bùi Văn Thắng được đón tết cùng gia đình. Còn lại là đón tết ở đơn vị hoặc ngoài biển. 

Anh đã có ba chuyến đi biển trực đúng dịp tết. "Năm nay thì đầu tháng 1-2019 đã có lịch đi trực tết. Mình nhớ tết năm 2015, tàu có một chiến sĩ tín hiệu quê Nghệ An, lần đầu tiên đón tết xa gia đình nên lúc giao thừa khi tàu tổ chức đón tết thì cậu ấy đang trực, tự nhiên khóc. 

Mình hỏi thì cậu ấy bảo: Em rất nhớ nhà, muốn về với bố mẹ. Trên cương vị là chính trị viên tàu, mình động viên một lúc thì cậu ấy vui vẻ trở lại, không đòi về nữa, tiếp tục vào tham gia đón năm mới cùng đồng đội" - đại úy Thắng cho hay.

Đại úy Thắng cho biết bánh chưng được gói ngay trên tàu, giữa biển, đảm bảo có mùi vị của biển khơi, đố bánh chưng đất liền có được! Trước khi đi biển, tàu đã mua các nguyên liệu để gói bánh chưng. 

Sáng 29 tết, anh em tổ chức gói, nấu bánh. Nồi nhỏ nên không nấu được nhiều. Giao thừa, ngoài bộ phận trực trên đài chỉ huy quan sát mục tiêu, sẵn sàng nhiệm vụ thì bộ phận ở dưới chuẩn bị mâm cơm nhỏ đón giao thừa gồm chả giò, bánh chưng. 

Trước giao thừa 5 phút, thuyền trưởng lên đài chỉ huy chúc anh em trong kíp trực. Khi kim đồng hồ chỉ đúng số 12, tàu kéo một hồi còi dài để đón mừng năm mới. Thuyền trưởng thay mặt cấp trưởng ban chỉ huy tàu chúc tết toàn thể cán bộ, chiến sĩ, lì xì cho anh em lấy lộc đầu năm. Sau đó, anh em tổ chức văn nghệ hát hò cho xôm tụ.

Với thượng úy Nguyễn Văn Thiệu, chính trị viên tàu CSB 4031, đây sẽ là cái tết thứ ba ngoài biển. Anh cho biết tàu vừa làm liên hoan chia tay đất liền để xuất phát đi Phú Quý trực tết. 

"Tối qua tàu đã chuẩn bị xong các vật chất để đón tết trên biển gồm 2 con heo còn sống, trăm con gà, vịt, 2 cành cây khô để làm cành mai, cành đào; bưởi, kẹo, bánh, mứt, nước ngọt, lá dong, lá chuối..." - thượng úy Nguyễn Văn Thiệu cho hay. 

Từ đây đến tết còn hơn 10 ngày nữa nên lá chuối phải rọc ra, cấp đông, còn lá dong thì ngâm nước mới giữ được. 29 tết này, tàu sẽ tổ chức gói bánh chưng, bánh giầy.

Thượng úy Nguyễn Văn Thiệu cho biết nếu năm nay sóng gió giảm, ban chỉ huy tàu sẽ tổ chức cho bộ đội giao lưu văn nghệ. “Mình đã tải các bài nhạc vui xuân đón tết sẵn rồi, đã lập danh sách các gia đình quân nhân chiến sĩ trên tàu.

Giao thừa, ban chỉ huy tàu sẽ tập trung các anh em, trừ kíp trực, để chúc tết và lì xì mừng năm mới. Riêng kíp trực thì được ưu tiên hơn, được lì xì nhiều hơn và thăm hỏi lâu hơn.

Mình là chính trị viên tàu, thời điểm đó anh em rất dễ tâm tư, nhất là chiến sĩ mới, phải tập trung quan sát để ý anh em xem ai buồn để còn động viên, rồi lo quán xuyến công việc trên tàu, tăng cường các hoạt động kiểm tra. Chứ lúc đó ban chỉ huy tàu mà lại lo gọi điện về cho gia đình thì ai lo cho anh em” - thượng úy Thiệu nói.

MY LĂNG



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn