Những thầy thuốc giàu lòng bác ái

16/01/2018 16:47 GMT+7

TTO - Kể từ khi thành lập đầu năm 2017 đến nay, tổ công tác xã hội Bệnh viện Quy Hòa đã giúp đỡ, chăm sóc nhiều bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nhưng trong bài viết này, tất cả họ đều "không có tên".

Những thầy thuốc giàu lòng bác ái - Ảnh 1.

Bé Rmah H’Ký khi chuẩn bị xuất viện, da dẻ căng bóng và lên cân. Khác xa với khi nhập viện (ảnh phải) hom hem và ghẻ lở toàn thân - Ảnh: DUY THANH - BV cung cấp

Chúng tôi thấy việc thành lập một tổ công tác xã hội để làm cầu nối giữa bệnh nhân với y bác sĩ rất cần thiết. Tổ này chính là cầu nối để bệnh nhân nhìn thầy thuốc bằng đôi mắt gần gũi, cảm mến hơn, còn thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình

BS VŨ TUẤN ANH (giám đốc bệnh viện)

Chiếc taxi biển số tỉnh Gia Lai đỗ xịch trước cổng Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định). Một em bé người Jrai chỉ còn da bọc xương, tóc rối bù, người đầy những vết lở loét với gương mặt đau đớn và sợ hãi.

Các bác sĩ đón sẵn, đưa em vào khoa cấp cứu...

Nửa tháng sau, chúng tôi gặp lại cô bé ấy - Rmah H’Ký, 7 tuổi - tại căngtin bệnh viện. Đôi mắt H’Ký lấp lánh ánh vui, biết nói lời cảm ơn khi đón nhận túi quà. Những vết lở loét trên người bé đã lành, đang kéo lớp da mới hồng tươi.

Bé tăng cân, lanh lợi.

Lành bệnh như có phép mầu

Những người thầm lặng xin giấu tên

Trong bài viết này, chúng tôi được các thành viên của tổ đề nghị không nhắc tên thành viên nào của tổ, bởi họ cho rằng việc làm của họ là từ trái tim, chỉ muốn hết lòng hết sức vì bệnh nhân, không muốn xuất hiện.

"Chúng tôi nghĩ tổ chỉ đóng góp một phần công sức, còn giúp bệnh nhân nghèo vượt qua bệnh tật khi họ gặp hoàn cảnh ngặt nghèo hoặc gia đình quá nghèo khó là thành quả chung của tập thể bệnh viện, của những người giàu lòng nhân ái.

Điều chúng tôi lo nhất là bệnh da liễu thường tái phát, nếu không được khám định kỳ để tiếp tục phát hiện, chữa trị thì bệnh sẽ trở lại.

Đã có một trường hợp người dân tộc thiểu số được chúng tôi nỗ lực chữa trị, chăm sóc, hỗ trợ tại bệnh viện, nhưng khi về cộng đồng thì bệnh tái phát, họ lại nghĩ ma làng ám nên cương quyết không chịu trở lại bệnh viện dù chúng tôi thuyết phục và hứa lo miễn phí. Đó là nỗi buồn rất lớn" - một thành viên của tổ bộc bạch.

Ngồi bên H’Ký, ông Ksor A Nơn - ông ngoại bé - cười tươi: "Trước tui cứ tưởng nó phải chết vì nghĩ bị con ma ám, không cách nào trị được. Vậy mà nhờ mấy người trên đó thương giúp đưa xuống bệnh viện này, rồi nhờ mấy cô, mấy thầy thuốc ở đây chữa trị, nuôi ông cháu tui như nuôi người nhà nên nó hết bệnh".

Ông A Nơn kể bé H’Ký chào đời được một tuần thì da trên khắp người tự dưng nổi bọng nước như bị bỏng, rồi bong ra, rướm máu khiến cháu đau nhức, khóc la không ngớt.

Bất hạnh hơn, bé lên 2 tuổi thì cha mất. Không lâu sau đó thì mẹ cũng theo chồng mới ở xa. Bé được để lại cho ông ngoại nuôi trong căn nhà sàn đơn sơ ở làng Kte Nhỏ B, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Không có ruộng rẫy để làm, ông A Nơn chỉ biết vào rừng hằng ngày kiếm cái ăn. Không tiền bạc để chạy chữa cho cháu, ông chỉ biết hái lá cây rừng về giã, thoa cho H’Ký nhưng bệnh tình cháu không đỡ.

Ở vùng xa, đồng bào nghĩ H’Ký bị con ma bắt. H’Ký sống lay lắt trong đau đớn về thể xác khi căn bệnh lạ đeo bám, cộng thêm sự thiếu thốn miếng ăn, sự xa lánh của người làng khiến bé như một cành cây non cứ khô dần, quắt queo...

Ông Nguyễn Văn Hai - phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện - cho biết một ngày tháng 11-2017, một cô giáo đi dạy học ngang qua nhà ngoại H’Ký thấy cô bé trần truồng, đầy ghẻ lở trên người, ngồi gục đầu bên bậu cửa nhà sàn, có cái nhìn luôn u uất.

Cô giáo ấy nhờ ông tìm cách giúp.

Thế là ông Hai đến tận nơi xác minh, chụp mấy tấm ảnh H’Ký đang bị bệnh nặng đưa lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ.

Tiếp đó, ông gặp đại diện Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Gia Lai và mạnh thường quân ở địa phương đưa cháu đến Bệnh viện huyện Phú Thiện, rồi Bệnh viện Nhi Gia Lai để làm giấy bảo hiểm y tế và các thủ tục chuyển đến Bệnh viện Quy Hòa.

"Khi thấy những hình ảnh của Rmah H’Ký trên mạng xã hội, chúng tôi rất xót xa. Tổ đã liên lạc với những người ở Gia Lai, nhờ các anh trên ấy đưa cháu chuyển về bệnh viện chúng tôi" - một thành viên tổ công tác xã hội Bệnh viện Quy Hòa nhớ lại.

Tại Bệnh viện Quy Hòa, bé được chẩn đoán mắc bệnh bọng nước toàn thân - một loại bệnh miễn dịch tự miễn và được các y bác sĩ điều trị tích cực.

Việc điều trị cho bé dài ngày, biết ông cháu bé H’Ký không có tiền, các thành viên trong tổ một mặt tự ứng tiền hỗ trợ hai ông cháu trong những ngày đầu, một mặt thông tin về hoàn cảnh, bệnh tình của bé trên Facebook của tổ để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.

Sau nửa tháng điều trị, bé lành bệnh. Sau khi thanh toán các khoản viện phí, số tiền vận động giúp hai ông cháu còn được gần 10 triệu đồng, tổ đã giao lại cho ông ngoại để làm vốn và dùng cho việc tái khám sắp tới.

Nhiều mảnh đời được cứu giúp

Kể từ khi thành lập đầu năm 2017 đến nay, tổ công tác xã hội Bệnh viện Quy Hòa đã giúp đỡ, chăm sóc nhiều bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Như anh L.H.L. - 27 tuổi, ở thị xã Ayunpa (tỉnh Gia Lai) - là tài xế xe tải, bị tai nạn đứt mất chân trái, chân phải gãy nát. 

Biết được hoàn cảnh của L. quá khó khăn, sau một thời gian điều trị tại TP.HCM, gia đình không còn tiền nên định đưa về, Bệnh viện Quy Hòa đã nhận về để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Tổ công tác xã hội đã vận động được hơn 50 triệu đồng hỗ trợ trường hợp này.

Tháng 9-2017, tổ cũng kêu gọi hỗ trợ cháu Đinh Thị Thanh (45 tháng tuổi, người dân tộc thiểu số ở Gia Lai) bị bọng nước khiến bong da, nhiễm trùng nặng. Cũng như H’Ký, cháu Thanh được chữa trị lành bệnh, xuất viện về nhà và còn "dư" mấy triệu đồng mang về.

Mới đây nhất, những ngày cuối tháng 12-2017, tổ công tác xã hội cũng kêu gọi hỗ trợ cháu Crom Nhi - hơn 3 tháng tuổi, ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, mắc bệnh vảy cá bẩm sinh, bong da toàn thân - được hơn 10 triệu đồng khi cháu điều trị tại bệnh viện vì gia đình quá nghèo.

Tổ chỉ có 7 người. Họ gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên có tinh thần thiện nguyện, làm kiêm nhiệm, phần lớn phải hi sinh thời gian, công việc nhà và đương nhiên là không được trả bất kỳ khoản thù lao nào.

Họ phân công nhau, người này hỗ trợ người kia, việc này hỗ trợ việc nọ để tất cả đều đảm bảo phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chan chứa yêu thương

hky 3

Một cháu bé người dân tộc thiểu số được tổ công tác xã hội Bệnh viện Quy Hòa cưu mang để điều trị - Ảnh: DUY THANH

 

Kêu gọi cộng đồng hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn chỉ là một phần trong những hoạt động của tổ công tác xã hội Bệnh viện Quy Hòa. Các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, nếu không thể chuyển khoản hoặc mang đến bệnh viện thì tổ cử người đến tận nhà nhận.

Tổ còn duy trì chương trình "Chén cháo tình thương" vào sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần để cấp cho bệnh nhân nghèo. Mỗi bữa ăn này có 250-300 suất cháo hoặc 130-150 suất cơm, nhiều khi còn được "đổi món" bằng mì, bánh bao, sữa...

Mấy tháng trước, tổ lập tủ quần áo từ thiện "Ai thừa đem đến, ai cần mang đi" đặt tại bệnh viện, rồi tổ chức những chuyến công tác từ thiện, cứu trợ vùng xa, vùng thiên tai...

Sau gần một năm thành lập, tổ đã vận động được khoảng 400 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân, nhất là đồng bào nghèo dân tộc thiểu số, được chữa lành bệnh mà không tốn tiền. Ngoài ra, tổ cũng kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ 100 xe lăn cho bệnh nhân, người khuyết tật...



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn