Ông lớn ngoại "lời to, lãi đậm", đóng ngân sách thấp, Tổng cục Thống kê lên tiếng

Thứ ba, 06/02/2018 - 13:15

Dù doanh thu và lợi nhuận lớn song thực tế các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp ngân sách thấp hơn nhiều so với các DN trong nước, theo đại diện của Tổng cục Thống kê nguyên nhân chủ yếu do các ông lớn này được ưu đãi, biệt đãi về thuế.

Tại Hội nghị Đánh giá mức độ phát triển của các doanh nghiệp địa phương năm 2017, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết: Khu vực FDI là nơi tạo ra lợi nhuận lớn cho nền kinh tế, lớn hơn các khu vực khác còn lại bao gồm cả tư nhân và DNNN. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp ngân sách của họ lại thấp hơn nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu là các DN FDI sản xuất trong các ngành công nghệ cao, được miễn thuế TNDN trong 1 số năm kể từ năm đầu tiên có ghi nhận doanh thu như: Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên, hay các DN của Nhật Bản, Mỹ… Ví dụ thuế TNDN bình quân 30 năm đầu tiên của các DN công nghệ cao chỉ phải nộp 10%; 4 năm đầu miễn thuế hoàn toàn; 9 năm tiếp theo đóng 50%. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác có các mức độ ưu đãi khác nhau.

Bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp thì DN trong nước nộp 20-30% trong khi DN FDI lại được hưởng ưu đãi, đóng cao nhất trong 30 năm chỉ bằng 1/2 DN trong nước phải đóng. Đây là chính sách thu hút đầu tư FDI chứ không phải năng lực đóng góp ngân sách của họ thấp hơn. Khi hết thời hạn ưu đãi, các DN này sẽ đóng góp ngân sách theo điều kiện bình thường.

Ông Thúy cho rằng, ngoài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các DN FDI hoạt động công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm các loại thuế với thời gian linh hoạt.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay: Trước đây, Bộ Kế hoạch quản lý chung việc cấp phép cho các dự án FDI nhưng hiện giờ đã phân cấp cho địa phương, nên các tỉnh, thành có những chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút vốn FDI. Có những dự án FDI ở tỉnh này không được miễn giảm nhưng khi sang tỉnh khác lại được ưu đãi tốt hơn.

Chính vì vậy, ông Thúy cho rằng, thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn, không để các tỉnh, thành vượt khung trong ưu đãi FDI, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với DN trong nước.

Bên cạnh đó, ông này thừa nhận, thời gian qua một bộ phận DN FDI chuyển giá, trốn thuế VAT, khai thấp lợi nhuận để trốn thuế DN. Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xây dựng nghị định chống chuyển giá của khu vực DN này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các khu vực DN.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 các DN FDI tạo ra hơn 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm hơn 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3% giai đoạn 2010 - 2016. Tuy nhiên, các DN FDI chỉ đóng góp ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250.900 tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân chỉ 16,9% giai đoạn 2010 - 2016.

Trong khi đó, năm 2016, các DN ngoài nhà nước tạo ra hơn 188.100 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26% lợi nhuận của toàn bộ DN). Nhưng đóng góp của khu vực này cho ngân sách đang lớn nhất với 434.700 tỷ đồng, tăng 17%/năm trong giai đoạn 2010 - 2016.

Nguyễn Tuyền



Tin tức liên quan

  • “Lương thâm niên” làm khó doanh nghiệp
  • Thứ năm, 15/03/2018 - 07:56
  • Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 49/2013 về vấn đề tiền lương đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bên liên quan đến hết ngày 28/4 với hai đề xuất bãi bỏ quy định khoảng cách 5%, để doanh nghiệp tự chủ hoặc giảm xuống mức 3% trong xây dựng thang, bảng lương.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn