Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: ‘Chưa có cơ sở nói gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia’

03/12/2021 22:13

Tại chương trình “Dân hỏi - TP trả lời” tối 3-12, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết việc bán rượu bia vẫn đang được TP thí điểm một cách thận trọng và việc thí điểm kéo dài đến hết tháng 12.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: ‘Chưa có cơ sở nói gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia’ - Ảnh 1.

Khách hàng sử dụng bia tại một nhà hàng ở quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Vẫn phải thận trọng thí điểm bán rượu bia

Trước thắc mắc của người dân liên quan đến việc mở bán rượu bia trên TP.HCM hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết qua giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, tâm lý người dân bức bối nên việc mở lại rượu bia là nhu cầu chính đáng, đồng thời kinh tế cũng phát triển do đó không thể đóng cửa vì dịch mãi. 

Do đó, TP đã thí điểm, đánh giá từng bước một cách thận trọng để mở từ từ, đến nay TP đã có văn bản thứ 2 cho phép thí điểm mở dịch vụ này đến cuối tháng 12.

Theo ông Phương, trên cơ sở văn bản thứ 2 này, TP chỉ đạo Sở Công thương sở tham khảo các quận huyện, đa số các địa phương đánh giá việc mở cửa hoạt động ăn uống và cho kinh doanh rượu bia có những lợi ích rất rõ. 

"Chưa thấy cơ sở nào để rằng nó có nguy cơ lây nhiễm cao. Tất nhiên việc tiếp xúc gần, ăn uống với nhau… nguy cơ cao hơn, song chưa có cơ sở để nói tất cả các việc gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia này. Thành ra, cũng không có cơ sở để quá lo lắng, nhưng vẫn tiếp tục thận trọng, vì vậy TP vẫn tiếp tục giao trách nhiệm để Sở Công thương và các quận huyện tiếp tục theo dõi" - ông Phương đánh giá.

Theo ông Phương, Sở Công thương và các quận huyện sẽ tiếp tục theo dõi, kết thúc thời điểm thí điểm này, TP sẽ có quyết định chính thức.

Cho rằng đúng là chưa có minh chứng nào nói việc kinh doanh rượu bia làm tăng người mắc COVID-19, bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM - cho hay việc mở kinh doanh rượu bia phụ thuộc vào cấp độ dịch của từng địa phương. 

Theo bà Nga, việc quyết định cấp độ dịch chính là số ca mắc mới hằng ngày, nếu số ca mắc mới tăng thì sẽ phải đóng lại việc kinh doanh rượu bia, nếu trong bàn nhậu có F0 thì chắc chắn sẽ lây lan dịch. 

Do đó, bà Nga khuyến cáo người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc là F0 thì tuân thủ quy định cách ly, không nên giao lưu để lây lan dịch và việc quyết định cấp độ dịch của TP nhìn một cách sâu xa chính là ý thức của người dân.

Giá cả trên thị trường tăng cao

Tại chương trình, nhiều người dân cũng đặt các câu hỏi liên quan đến chủ đề của chương trình là "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới". 

Trong đó, đa số người dân thắc mắc về việc giá hàng hóa trong siêu thị cao hơn giá ngoài chợ, trong khi đó giá hàng hóa ở chợ truyền thống lại cao hơn giá ở chợ tự phát. 

Đồng thời, người dân cũng "chất vấn" lãnh đạo ngành công thương TP tiếp tục có biện pháp nào kéo giảm giá cả tăng cao như thời gian qua cũng như mang được hàng hóa giá rẻ đến với người khó khăn, công nhân trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm tết.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: ‘Chưa có cơ sở nói gia tăng lây nhiễm từ việc bán rượu bia’ - Ảnh 2.

Các bạn trẻ sắm hàng khuyến mãi ở TP.HCM trong thời gian gần đây - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trước các vấn đề này, ông Phương cho hay trong dịp tết tới đây, TP sẽ duy trì mô hình bán hàng lưu động. Nếu hết hàng, giá cả tăng ở một khu vực, sẽ có những chuyến xe lưu động đến khu vực này để bình ổn giá, tránh kéo theo giá tăng ở các khu vực khác. 

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tăng cường bán hàng lưu động cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông Phương, hàng hóa đưa tới phục vụ cho công nhân là hàng bình ổn thị trường và có thêm chương trình giảm giá nên sẽ có mức giá giảm sâu cho người lao động.

Về chương trình khuyến mãi tập trung của TP, ông Phương cho biết đợt khuyến mãi này kéo dài từ 15-11 đến hết tháng 12, song quan trọng là chương trình khuyến mãi tập trung của TP trong 5 năm, với mục tiêu biến TP thành một trung tâm mua sắm.

Trước thắc mắc về giá cả còn cao, phó giám đốc Sở Công thương TP thừa nhận có thực trạng này và việc giá cả tăng trên toàn thế giới do đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh. 

Do đó, chương trình khuyến mãi tập trung của TP cũng là một cách để nhà sản xuất, nhà phân phối cùng giảm hàng hóa, tăng sức mua, giúp hoạt động sản xuất tăng trưởng, kéo giá cả xuống.

Nói thêm về giá cả chênh lệch giữa siêu thị và các chợ, bà Phạm Thi Vân - trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - cho biết giá cả siêu thị cao hơn ở bên ngoài phụ thuộc nhiều yếu tố, song thời gian qua hệ thống bán lẻ này vẫn giữ giá bình ổn. Bên cạnh đó, nguồn gốc xuất xứ của hàng siêu thị rõ ràng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo so với những địa điểm khác bán hàng khó đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Người không thể tiêm vắc xin có được đi siêu thị?

Tại chương trình, khán giả Tùng Anh đặt vấn đề mẹ của vị này thuộc đối tượng chống chỉ định nên không thể tiêm vắc xin để có thẻ xanh COVID-19, liệu rằng mẹ của vị này có thể đi siêu thị?

Giải đáp câu hỏi này, bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM - cho hay chống chỉ định tức không thể tiêm vắc xin, những người vì lý do sức khỏe không thể tiêm vắc xin sẽ bị hạn chế trong nhiều hoạt động song tỉ lệ người không thể tiêm không nhiều.

Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí an toàn và để đảm bảo sức khỏe cho chính người đó, bà Nga cho rằng những người chưa tiêm vắc xin "sẽ bị hạn chế trong nhiều hoạt động" và đây là khuyến cáo không chỉ riêng với Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới bởi nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người này cao hơn những người đã tiêm vắc xin.

"Tôi nghĩ, tốt nhất chúng ta không nên để người thân chưa tiêm vắc xin đến những nơi có nguy cơ" - bà Nga nói.

Còn về cụ thể ở siêu thị, đại diện Satra cho biết siêu thị hoạt động theo tiêu chí an toàn để mở cửa đối với những người đã tiêm 1-2 mũi, còn với những người chưa tiêm muốn đi mua sắm thì nhân viên siêu thị sẽ "đi chợ hộ".

NGỌC HIỂN



Tin tức liên quan

  • Siết lại chống Delta, phòng xa với Omicron
  • 04/12/2021 09:08
  • Việc đầu tiên cần làm là phải ngăn chặn không cho chủng virus này xâm nhập TP.HCM bằng việc giám sát được tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam và TP.HCM thông qua các con đường chính thức cũng như trái phép.

  • Nếu F0, F1 là học sinh lớp 1, giải quyết ra sao?
  • 06/12/2021 06:30
  • Hôm nay 6-12, học sinh lớp 1, 8 và 9 ở Đà Nẵng chính thức được đến trường. Mặc dù các trường học đã chuẩn bị phương án chống dịch và phương án xử lý khi xuất hiện ca nghi nhiễm trong trường nhưng không ít phụ huynh vẫn còn lo lắng.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn