Phó Thủ tướng: ‘Đừng để cao tốc miền Tây xây hoài không xong’

Thứ Tư, ngày 28/8/2019 - 01:30

(PL)- Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đảm bảo thông tuyến vào năm 2020 nếu được bố trí đủ vốn.

Ngày 27-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã trực tiếp khảo sát dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và làm việc tại tỉnh Tiền Giang.

Chính phủ cam kết hỗ trợ vốn

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ 2.186 tỉ đồng cho dự án. Văn bản này đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) từ ngày 15-8. Các cơ quan của QH cũng đã có thẩm định sơ bộ, ngay khi UBTVQH đồng tình, Chính phủ sẽ có văn bản hỗ trợ vốn cho Tiền Giang. Chính phủ đã cam kết thì các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư không phải lo lắng”.

Hiện nhà đầu tư đã góp vào dự án 3.400 tỉ đồng (khoảng 27%), tuy chưa đủ mức 30% như quy định nhưng mức đầu tư này đã cao. Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục ứng vốn đủ 30% theo quy định ngay trong tháng 9. Đồng thời, phía chủ đầu tư cần đàm phán với NH Vietinbank (ngân hàng (NH) đầu mối) về hợp đồng tín dụng để ngay khi Chính phủ có quyết định cấp vốn ngân sách thì hợp đồng tín dụng được ký kết. “Tất cả công tác cần được triển khai ngay để đảm bảo tiến độ thông xe vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021. Để cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không lỗi hẹn với 20 triệu dân ĐBSCL. Không để cao tốc miền Tây xây đi xây lại, xây hoài chẳng xong” - Phó Thủ tướng nói.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định với Phó Thủ tướng: Với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh quyết tâm cùng tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ kịp thông tuyến đúng tiến độ nếu được bố trí đủ vốn.

Phó Thủ tướng: ‘Đừng để cao tốc miền Tây xây hoài không xong’ - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐÔNG HÀ

NH yêu cầu chủ đầu tư tăng vốn

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, dự án mới đạt 25% khối lượng công việc. Dự án từng bị đình trệ và chậm tiến độ bởi nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đèo Cả, sau hơn ba tháng tái khởi động dự án, các nhà thầu đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn gặp khó khăn rất lớn về vốn. Đối với nguồn vốn ngân sách, Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án 2.186 tỉ đồng nhưng thực tế đến nay chưa có ý kiến chấp thuận của UBTVQH. Do vậy, chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn làm cơ sở đảm bảo phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn. Riêng vốn tín dụng, hiện các NH đang thẩm định phương án tài chính tín dụng của dự án, các điều kiện hồ sơ do doanh nghiệp dự án cung cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu của NH. Tuy nhiên, nhóm NH đồng tài trợ vốn sau khi họp bàn cho biết họ vẫn chưa đủ vốn cho dự án.

Ông Hoàng cũng cho hay ngày 21-8 vừa qua, NH Vietinbank đã có báo cáo gửi NH Nhà nước, xác định NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ nên mức tài trợ vốn dự kiến cho dự án cần tối thiểu 5.800 tỉ đồng. Ngoài ra, NH yêu cầu nhà đầu tư phải tăng vốn lên 3.800 tỉ đồng, tăng hơn so với mức của UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt 2.787 tỉ đồng (chênh lệch 1.013 tỉ đồng).

“Hiện tại nhà đầu tư đã cân nhắc có thể chấp nhận phương án nâng vốn chủ sở hữu lên mức 3.400 tỉ đồng nhưng NH chưa thống nhất. Các NH đồng tài trợ vốn xác định còn thiếu 400 tỉ đồng mới thu xếp vốn cho dự án. Mặt khác, với yêu cầu này của các NH thì UBND tỉnh Tiền Giang sẽ phải phê duyệt điều chỉnh lại phương án tài chính của dự án. Hiện các NH chưa thu xếp vốn cho dự án” - ông Hoàng cho biết.

Trước đó chủ đầu tư cho biết đến nay đã huy động góp vốn chủ sở hữu 2.500 tỉ đồng tham gia dự án và đã hoàn thành 25% khối lượng công trình (ba tháng qua đã tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây). Phía UBND tỉnh đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 hơn 278 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Đến nay đã bàn giao 50,77/51,1 km mặt bằng (đạt 99,34%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết ngoài vốn ngân sách nhà nước chưa được giải ngân, việc các tổ chức tín dụng chưa giải ngân nguồn vốn tín dụng cho dự án đã gây khó khăn cho doanh nghiệp vì nguồn vốn này chiếm tỉ trọng lớn của dự án. Trước đó, vào ngày 21-8, UBND tỉnh đã có buổi làm việc giữa doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn để đàm phán các nội dung liên quan đến hợp đồng tín dụng. UBND tỉnh cũng đã đề nghị các NH cấp tín dụng sớm ký lại hợp đồng tín dụng, sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án tập trung thi công công trình.

Tháng 8-2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án và ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Theo đó, dự án được điều chỉnh với tổng mức đầu tư 12.668 tỉ đồng (tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 14.678 tỉ đồng); trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, nguồn vốn BOT 10.482 tỉ đồng (vốn vay từ các NH thương mại là 7.694 tỉ đồng). 

 

ĐÔNG HÀ



Tin tức liên quan

  • Rác thải ngập đường song hành cao tốc
  • Thứ Sáu, ngày 20/9/2019 - 06:00
  • (PL)- Nhiều gầm cầu tại tuyến đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã trở thành “gầm rác” nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn