Phó thủ tướng: Bộ Tài chính cần 'gia công' quy định chống chuyển giá

Thứ hai, 27/8/2018, 17:17 (GMT+7)

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị ban soạn thảo nắm bắt, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề của kinh tế chia sẻ khi sửa Luật.

Ngày 27/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10.

Theo Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà, dự Luật Quản lý thuế lần này đã bổ sung một số quy định trong quản lý doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chống chuyển giá như áp dụng cơ chế đơn giản hoá kê khai, xác định giá giao dịch liên kết với người nộp quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài... 

Đánh giá bản dự thảo sửa đổi lần này đã được chuẩn bị công phu, nhưng Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính "gia công" các quy định về chống chuyển gia của công ty đa quốc gia. Các biện pháp cần quy định theo hướng chống xói mòn lợi nhuận, quản lý chặt chẽ việc khấu trừ chi phí lãi vay quá mức để giải quyết tình trạng công ty con ở Việt Nam chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua các khoản vay của công ty mẹ mà thực chất là các khoản góp vốn. 

Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về quyền đánh thuế của Việt Nam với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp của các công ty nước ngoài sở hữu tài sản tại Việt Nam, bổ sung công cụ xử lý đối tượng nộp thuế thành lập công ty danh nghĩa mà không có hoạt động kinh doanh thực chất.

"Các quy định của dự án Luật bảo đảm doanh nghiệp liên kết phải nộp thuế tương xứng với phần giá trị tạo ra tại Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu, áp dụng các thông lệ quốc tế đang thực hiện như phân bổ rủi ro, giao dịch độc lập...", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ban soạn thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi ngày 27/8. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ban soạn thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi ngày 27/8. Ảnh: VGP

Dự luật cũng cần quy định rõ hơn việc cung cấp số liệu hồ sơ thuế của công ty liên kết và bổ sung xử phạt hành chính đủ hiệu lực với hành vi không kê khai và cố tình không tuân thủ điều chỉnh chuyển giá.

Góp ý về chống thất thu thuế, hạn chế doanh nghiệp “ma”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại các chính sách quản lý hoá đơn trong thuế VAT (doanh nghiệp tự in hoá đơn) khi có tình trạng doanh nghiệp không xuất hoá đơn, mua từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế và gian lận khấu trừ thuế VAT. Việc bỏ bản kê khai hoá đơn mua hàng, theo lãnh đạo Chính phủ, tạo ra kẽ hở trong quản lý hoá đơn và trốn lậu thuế. 

“Cải cách thuế như thế nào đi nữa nhưng không thể làm méo mó bản chất chính sách thuế”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm. 

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính nỗ lực hơn trong thích ứng và ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật vào quản lý và thu thuế. “Công nghệ đang phát triển vượt bậc, tạo ra các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ đa dạng, phức tạp và ngành thuế phải nắm bắt được xu hướng này, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đầy đủ các chính sách thuế, tạo công bằng cho tất cả các đối tượng nộp thuế”, ông Huệ nói. 

Liên quan tới thẩm quyền xoá nợ thuế, tiền phạt, phạt chậm nộp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính xem lại quy định tại Luật hiện hành để tránh việc dồn quyết định lên cấp trên. “Với các mức tiền phạt hiện nay, Bộ trưởng hoàn toàn có thể ra quyết định xử phạt, không nên dồn việc lên tận Thủ tướng. Thủ tướng chỉ nên ra quyết định miễn tiền chậm nộp với các trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hay các trường hợp bất khả kháng khác”, Phó thủ tướng nói.

Về vấn đề điều tra thuế, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt chưa bổ sung chức năng này cho các cơ quan thuế để nghiên cứu kỹ hơn, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình nên chưa đưa nội dung này vào dự thảo Luật.

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình xây dựng dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết.

Ngoài ra, dự thảo cũng xác định rõ các trường hợp ấn định thuế, nguyên tắc ấn định thuế, làm rõ vai trò trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường trong khoán thuế... nhằm tăng cường quản lý, hạn chế rủi ro tiêu cực. Với hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc quy mô nhỏ, nộp thuế theo phương pháp kê khai theo chế độ quy định, sẽ thúc đẩy các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Nguyễn Hoài



Tin tức liên quan

  • Phó Thủ tướng yêu cầu không chủ quan với bão số 6
  • Thứ Hai, ngày 17/9/2018 - 04:55
  • (PL)- Ngày 16-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ NN&PTNT, GTVT, Công Thương, TN&MT, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra công tác ứng phó bão số 6 tại tỉnh này.

  • Sẽ đình chỉ các cơ sở không đảm bảo về PCCC
  • Thứ Bảy, ngày 22/9/2018 - 06:10
  • (PL)- Từ vụ cháy karaoke ở Trần Thái Tông (Hà Nội) làm chết 13 người, vụ cháy Carina (TP.HCM) gây chết 13 người…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đậy là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, cần rút kinh nghiệm trong công tác này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn