Quốc hội thông qua tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ tư, 20/11/2019, 09:29 (GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu, thêm một ngày nghỉ lễ trong năm... là nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019. 

Sáng 20/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi (Bộ luật) với 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ 90%); 9 người không tán thành (1,86%) và 9 người không biểu quyết. 

Về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, Bộ luật vừa được thông qua điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035).

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định. 

Về nghỉ lễ, tết, ngoài 10 ngày nghỉ theo luật hiện hành (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, ngày Thống nhất đất nước (30/4), Quốc khánh (2/9), Quốc tế lao động (1/5), giỗ Tổ Hùng Vương), Bộ luật lao động 2019 bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Quy định này được 452 đại biểu tán thành (93,58%).

Đại biểu Quốc hội bấm bút biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Đại biểu Quốc hội bấm bút biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Về làm thêm giờ, Bộ luật mới được thông qua quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng. 

Bộ luật quy định, doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ mỗi năm. 

Các ngành, nghề được làm thêm đến 300 giờ mỗi năm gồm: sản xuất dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; công việc đòi hỏi lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ; giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn vì có tính thời vụ; thiên tai, hoả hoạn, thiếu điện, sự cố dây chuyền sản xuất. 

Với các trường hợp làm thêm đến 300 giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. 

Quy định về làm thêm giờ được 433 đại biểu tán thành (89,65%); 14 người không tán thành (2,9%); 7 người không biểu quyết (1,45%).

Như vậy, Quốc hội đã quyết định không tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm như đề xuất trước đó của Ban soạn thảo. 

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lao động sửa đổi. Ảnh: Viết Tuân 

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Ảnh: Viết Tuân 

Về nghỉ trong giờ làm việc, người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút; ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục; nếu lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ được tính vào giờ làm việc. 

Người lao động làm việc theo ca được nghỉ 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Đồng thời, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. 

Về giờ làm việc bình thường, Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ quy định hiện hành là không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì giờ làm việc không quá 10 giờ trong mỗi ngày và không quá 48 giờ mỗi tuần. Ban đêm, giờ làm việc được tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau. 

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.



Tin tức liên quan

  • Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về dịch vụ đòi nợ
  • Thứ Hai, ngày 23/3/2020 - 13:25
  • (PLO)- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng đóng góp của lĩnh vực đòi nợ với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục. Ông đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc.

  • Trung Quốc hoãn họp quốc hội
  • Thứ hai, 24/2/2020, 16:59 (GMT+7)
  • Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hôm nay quyết định lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 3 nhằm đối phó virus corona.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn