Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hư hỏng, chủ đầu tư thờ ơ

Thứ Tư, ngày 26/12/2018 - 16:54

(PLO)- Quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua tỉnh Khánh Hòa vừa xây dựng đã hư hỏng nhưng chủ đầu tưkhông chủ động yêu cầu các nhà thầu khắc phục, sửa chữa.

Ngày 26-12, Cục Quản lý đường bộ III (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban quản lý dự án 7 (gọi tắt là Ban 7) thực hiện trách nhiệm khắc phục các hư hỏng tại các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Ban 7 là đại diện chủ đầu tư của hai dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Hai dự án này kéo dài từ TP Nha Trang đến TP Cam Ranh, được bàn giao đưa vào khai thác từ năm 2016 và đang trong giai đoạn bảo hành.

Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hư hỏng, chủ đầu tư thờ ơ - ảnh 1
Quốc lộ 1 đoạn qua TP Nha Trang (Khánh Hòa) thuộc dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ bị hư hỏng thường xuyên. Ảnh: TẤN LỘC

Theo Cục Quản lý đường bộ III, trong giai đoạn bảo hành, hai dự án trên đã phát sinh nhiều hư hỏng. Đơn vị này đã có nhiều văn bản thông tin tình hình hư hỏng, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Với trách nhiệm tiếp nhận quản lý, Cục Quản lý đường bộ III đã có nhiều văn bản đề nghị Ban 7 đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo hành, sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, rà soát các vị trí có nguy cơ hư hỏng để có giải pháp ngăn ngừa.

Tuy nhiên, trong năm 2018, Ban 7 vẫn chưa chủ động, kịp thời chỉ đạo khắc phục các hư hỏng mặt đường quốc lộ 1 tại hai dự án trên. Ban 7 cũng chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo hành, khắc phục các dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng khi gặp thời tiết bất lợi. Đơn vị này chưa kịp thời tham mưu, đề xuất cho Bộ GTVT về kết quả đánh giá, các giải pháp tăng cường bền vững cho dự án đáp ứng với thời tiết vùng duyên hải miền Trung nên hai dự án trên đã phát sinh nhiều hư hỏng khi mưa lũ đến.

Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hư hỏng, chủ đầu tư thờ ơ - ảnh 2
Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị hư hỏng, nhà thầu đóng một làn để sửa. Ảnh: TẤN LỘC

Theo thống kê đến ngày 25-12 của Cục Quản lý đường bộ III, tại hai dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa bằng vốn trái phiếu chính phủ hiện vẫn còn tồn tại nhiều hư hỏng khối lượng hơn 160 m2 “ổ gà”, 770 m2 sình lún, hơn 74.300 m2 mặt đường rạn nứt có nguy cơ phát sinh hư hỏng khi thời tiết bất lợi…

Để tránh hư hỏng lan rộng, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, Cục Quản lý đường bộ III đề nghị Ban 7 khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo hành, thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT về xác định rõ nghĩa vụ bảo hành của nhà thầu theo đúng hợp đồng đã ký, tuân thủ các quy định hiện hành. Cục Quản lý đường bộ III cũng đề nghị Ban 7 chủ động rà soát, đánh giá tình trạng của dự án để nhanh chóng tham mưu, đề xuất giải pháp tăng cường, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định.

Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hư hỏng, chủ đầu tư thờ ơ - ảnh 3
Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị hư hỏng thường xuyên. Ảnh: TẤN LỘC

Ngay từ tháng 11-2015, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh hiện tượng hư hỏng trên quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng bằng trái phiếu chính phủ sau khi đoạn đường này được thông xe, đưa vào sử dụng hơn một tháng. Thời gian qua báo cũng đăng nhiều bài phản ánh tình trạng xuống cấp nhưng chậm khắc phục, sửa chữa của đoạn đường vừa được xây dựng này.

Như đã thông tin, dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 142 km với tổng mức đầu tư 9.937 tỉ đồng. Dự án được chia thành bốn dự án thành phần, trong đó Ban 7 được giao làm đại diện chủ đầu tư hai dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại hai dự án BOT còn lại.

TẤN LỘC



Tin tức liên quan

  • Đường gần nghìn tỉ chưa khánh thành đã sạt lở nặng
  • 11/01/2019 14:47
  • Đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 957 thành đường tuần tra biên giới, kết hợp cứu nạn và đê bao ngăn lũ huyện An Phú, An Giang. Khởi công từ năm 2013 nhưng đến nay dự án chỉ mới hoàn thành hơn 80% khối lượng và nhiều đoạn đã bị sạt lở.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn