Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư tốt, đạt gần 1 triệu tỉ đồng

22/10/2021 19:38

Chiều 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý sử dụng quỹ BHXH và quỹ bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế.

Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư tốt, đạt gần 1 triệu tỉ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm tại phiên thảo luận ngày 22-10 - Ảnh: Quochoi.vn

Theo cơ quan thẩm tra - Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ BHXH và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho hay cứ khi nhắc đến quỹ BHXH hay có một câu cửa miệng là “vỡ quỹ”. Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua kết dư của quỹ tương đối tốt, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn… được thực hiện tốt.

"Quỹ này kết dư lớn nhưng vẫn lo quỹ giảm", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thì nêu quan điểm trên khi dẫn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới từ năm 2030, quỹ bắt đầu giảm. Vì vậy, chúng ta phải kéo dài thời gian lao động, tăng tuổi nghỉ hưu với nam lên 62 và nữ 60.

"Nếu Quỹ BHXH vỡ thì rối loạn ngay, rất nguy hiểm", ông Dũng nói và nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước rất lớn trong bảo toàn, phát triển quỹ này, để đảm bảo cho hoạt động đầu tư quỹ phải bảo đảm nguyên tắc sinh lời và an toàn. 

 

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi, Luật về việc làm. Bởi việc sửa đổi càng sớm sẽ càng quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần, khi năm 2020 có tới 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,55%. 

"Chúng ta quy định là 20 năm đóng thì mới được hưởng chế độ hưu trí, nhưng điều kiện để rút BHXH một lần thì rất dễ dàng. Nghị quyết 28 có nói cần phải rút ngắn thời gian này lại. Hướng lộ trình đầu tiên có thể xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới là 10 năm", Chủ tịch Quốc hội nói và nêu thêm yêu cầu là phải rà soát mức đóng cho phù hợp khi hiện nay quỹ đang kết dư nhiều. 

Đồng tình, đại biểu Cao Mạnh Linh - ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp - cho hay còn số lượng lớn người lao động chưa tham gia đóng BHXH, cũng do quy định thời gian đóng hiện nay khá cứng. 

"Việc cố định trong 20 năm là 'thiếu linh hoạt' khiến người tham gia bảo hiểm chưa thực sự an tâm do thời gian đóng quá dài", ông Linh nêu và đề nghị cần nghiên cứu hoàn thiện chủ trương, giảm thời gian đóng. 

NGỌC AN



Tin tức liên quan

  • Người lao động nước ngoài đóng BHXH thế nào?
  • Thứ tư, 10/01/2018 - 07:29
  • Từ ngày 1/1/2018, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

  • Được làm tròn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu?
  • Thứ ba, 23/01/2018 - 07:14
  • Ông Hoàng Đức Thanh (Thừa Thiên-Huế) sinh ngày 7/12/1958, nghỉ hưu ngày 1/1/2019. Tính đến tháng 12/2018, ông sẽ đóng BHXH được 31 năm 10 tháng. Theo quy định, tỷ lệ hưởng 75% lương hưu năm 2018 là 31 năm, năm 2019 là 32 năm.

  • Bị gián đoạn công tác, có được cộng nối thời gian làm trước đó tính BHXH?
  • Thứ hai, 08/01/2018 - 08:01
  • Bố đẻ tôi sinh ngày 20/12/1957, đóng BHXH từ tháng 3/2001 đến nay, ngày 1/1/2018 đủ tuổi nghỉ hưu. Từ tháng 2/1980 đến tháng 9/1990 làm giáo viên, hiệu phó, Trưởng ban Thư ký HĐND xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ tháng 10/1993 đến 7/1994 bố ông tôi là Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước; từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1995 là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn