Sai phạm tại Bộ GD&ĐT: Kiến nghị xử lý hàng trăm tỉ

Thứ Tư, ngày 24/10/2018 - 06:10

(PL)- Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ GD&ĐT có nhiều sai phạm tài chính xảy ra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và nguồn vốn ODA.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã gửi thông báo cho Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 và việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015-2017 của Bộ GD&ĐT.

Dự toán vượt khả năng ngân sách

Theo KTNN, việc lập, phân bổ và giao thực hiện dự toán của Bộ GD&ĐT, nhất là đối với việc lập dự toán chi thường xuyên đã vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước (NSNN) và không tiết kiệm. Cụ thể như kế hoạch vốn năm 2017 cho các dự án đến ngày 30-6-2016 mới chỉ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016 là không đúng quy định. Còn với năm 2017 thì số vốn đăng ký chưa đúng quy định lên tới trên 356 tỉ đồng.

Đặc biệt, với vấn đề xử lý số dư và quyết toán ngân sách, Bộ GD&ĐT tính đến 31-21-2017 đã dư dự toán và tạm ứng trên 1.071 tỉ đồng. KTNN cho rằng việc xử lý số dư chưa đảm bảo quy định của Luật NSNN và đề nghị hủy dự toán trên 221 triệu đồng, thu hồi kinh phí tạm ứng trên 15 tỉ đồng. Trong việc phân bổ vốn cho các dự án, Bộ GD&ĐT có khi phải phân bổ 10 lần mới hết dự toán và phải điều chỉnh tới 14 lần.

Từ đó công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí của Bộ GD&ĐT cũng tồn tại nhiều vấn đề. Ngay đối với nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ GD&ĐT đã có sự điều phối không hợp lý dẫn đến thiếu vốn xây dựng. Đơn cử như trường hợp ĐH Việt Đức, do bộ này bố trí vốn thiếu dẫn đến phải đề xuất bổ sung trên 1.165 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bổ sung.

Sai phạm tại Bộ GD&ĐT: Kiến nghị xử lý hàng trăm tỉ - ảnh 1
Trụ sở của Bộ GD&ĐT,35 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Ảnh: GDTĐ

Khiếm khuyết trong quản lý, sử dụng tài sản công

Lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản và công nợ ở Bộ GD&ĐT cũng có nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn việc sử dụng ô tô. Theo KTNN, có tới 17 đơn vị thừa tổng cộng 28 xe công, chín đơn vị thừa tổng cộng 28 ô tô chuyên dùng. Nhưng ngược lại, có tới 53 đơn vị thiếu tổng cộng 89 xe.

Về quản lý đất đai, trụ sở làm việc, theo KTNN, có tới 129 cơ sở đã được Bộ Tài chính thông báo phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do một số vướng mắc. Đến thời điểm kiểm toán, có tới 28 cơ sở đã gửi UBND các tỉnh xin ý kiến về phương án sắp xếp nhà, đất của các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT nhưng chưa được UBND các tỉnh trả lời.

Đặc biệt, có năm cơ sở nhà, đất Bộ Tài chính đã thống nhất trả lại cho UBND các tỉnh nhưng Bộ GD&ĐT chưa thực hiện. Điển hình như cơ sở đất tại 15 Hai Bà Trưng, 29B Ngô Quyền (Hà Nội), Bộ GD&ĐT xin giữ lại nhưng chưa được đồng ý.

Góp vốn, đầu tư sai quy định

KTNN cũng chỉ ra hoạt động thu chi của các trường có nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc thu học phí và lệ phí một số trường đã thu vượt quy định tới hơn 8 tỉ đồng và thu ngoài quy định trên 9 tỉ đồng. Dù vậy, có những trường lại nợ đọng học phí, chẳng hạn như ĐH Đà Nẵng nợ đọng học phí trên 10 tỉ đồng, ĐH Nông Lâm TP.HCM trên 12 tỉ đồng...

Đáng chú ý, một số trường còn liên doanh, góp vốn đầu tư sai quy định. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông trị giá gần 9 tỉ đồng là chưa phù hợp với nhiệm vụ, chức năng. Trường này cũng góp vốn thành lập hai doanh nghiệp là Công ty Du lịch APEX Việt Nam, Công ty Sài Gòn Kinh tế nhưng đều không được trả cổ tức hoặc không phát sinh hoạt động tài chính.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện liên doanh với tổ chức phát triển Trường quốc tế ISD thực hiện dự án đầu tư “Trường quốc tế Hà Nội”. Đến năm 2016, tỉ lệ vốn góp 49%, tương ứng trên 13 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Nhưng việc này đã kết thúc 20 năm nay, Bộ đã chưa tổng kết, đánh giá mà còn cho gia hạn thêm 10 năm.

Một đơn vị khác cũng được KTNN điểm danh trong lĩnh vực này là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường này góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội nhưng chưa bàn giao quyền sở hữu tài sản và chưa nộp khoản lợi nhuận trên 4,5 tỉ đồng.

Đề nghị xử lý hơn 437 tỉ đồng

Với nhiều sai phạm tài chính, Bộ GD&ĐT bị KTNN kiến nghị phải xử lý 437 tỉ đồng. Trong đó, riêng xử lý tài chính đối với kiểm toán quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ GD&ĐT năm 2017 là trên 360 tỉ đồng.

Trong số này còn có cả việc phải loại khỏi quyết toán, thu hồi, nộp NSNN các khoản chi sai không đúng chế độ hơn 1,2 tỉ đồng. Ngoài các kinh phí thừa, hết hạn nhiệm vụ chi thì KTNN đề nghị Bộ GD&ĐT thu hồi kinh phí tạm ứng trên 15 tỉ đồng đối với các nhiệm vụ chi hết thời gian chỉnh lý chưa đủ thủ tục thanh toán theo quy định.

Các khoản đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí hỗ trợ và miễn giảm học phí không đúng quy định, KTNN đề nghị Bộ GD&ĐT loại khỏi quyết toán năm 2017, chuyển quyết toán sang năm sau trên 11 tỉ đồng, giảm giá trị hợp đồng, giảm thanh toán tới trên 45 tỉ đồng. Đặc biệt, KTNN còn đề nghị hủy dự toán gần 222 tỉ đồng cũng như các khoản chi khác không đúng đối tượng và quy định.

KTNN đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thoái vốn theo quy định khỏi các công ty mà trường này góp vốn; ĐH Bách khoa Hà Nội thu hồi về quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường số chi phí khấu hao hơn 4,7 tỉ đồng…

Kiến nghị xử lý các tập thể, cá nhân liên quan

KTNN cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trong đó có: Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện đề xuất, phê duyệt kết quả đấu thầu các công trình xây dựng tại tỉnh Gia Lai với giá trúng thầu vượt giá dự toán được duyệt.

đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc mua sắm, quản lý và sử dụng các trang thiết bị phục vụ đào tạo trực tuyến, được trang bị từ năm 2016 nhưng đến nay chưa khai thác, sử dụng (theo mục tiêu của các chương trình, dự án đào tạo giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới).

cùng với đó là kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại trong việc rà soát, thẩm định, xây dựng hiệp định, báo cáo nghiên cứu khả thi còn thiếu sát thực, một số hoạt động còn chồng chéo, tương đồng, khi triển khai phải hủy bỏ, điều chuyển. Trong đó có các dự án như hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông; dự án phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2; dự án ETEP.

KTNN đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm toán trước ngày 31-12.

Về các kiến nghị của KTNN, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội ngày 23-10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ nói ngắn gọn: “Bộ đã nhận được thông báo kiểm toán của KTNN. Chúng tôi đã chỉ đạo các vụ, cục có liên quan thực hiện ngay. Còn kết quả thì còn phải chờ các cục, vụ tổ chức thực hiện và báo cáo”. 

CHÂN LUẬN



Tin tức liên quan

  • Hơn 2.200 người dân Thủ Thiêm nộp đơn sau kết luận kiểm tra
  • 03/11/2018 07:31
  • Đến hết ngày 18-10 đã có 2.206 hộ dân thuộc KĐTM Thủ Thiêm đến UBND quận 2 nộp đơn kiến nghị, phản ánh, nội dung chủ yếu yêu cầu được biết chính sách, chủ trương và được giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn