'Siêu công trình' thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành tạm trong 2 năm

21/12/2021 11:49

'Siêu công trình' thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) sẽ vận hành tạm trong 2 năm, trong đó đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại.

Siêu công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành tạm trong 2 năm - Ảnh 1.

Cống Cái Bé với 11 cửa van "siêu khủng" chuẩn bị vận hành ngăn mặn mùa khô năm nay - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 21-12, Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (chủ đầu tư) cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Nguyên tắc vận hành công trình này là thống nhất trong toàn hệ thống, không chia cắt theo địa giới hành chính; bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho người và tài sản trong khu vực, hài hòa lợi ích giữa các nhu cầu sử dụng nước, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.

Việc vận hành không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên); không để xảy ra tranh chấp về nguồn nước, cũng như hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan; không vượt quá các chỉ tiêu thiết kế công trình và năng lực thực tế của hệ thống.

Thời gian vận hành công trình chia làm 2 mùa: mùa khô tính từ đầu tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau; mùa mưa tính từ tháng 5 đến tháng 11. Quy trình vận hành tạm thời nêu trên sẽ được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.

Siêu công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành tạm trong 2 năm - Ảnh 2.

Cống Cái Bé (bên phải) và cống Cái Lớn nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cũng theo quyết định nêu trên, nhiệm vụ của siêu công trình Cái Lớn - Cái Bé là kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha.

Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Đặc biệt, công trình này còn kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Sẵn sàng ngăn mặn ứng phó mùa khô 2021-2022

sieu cong trinh 4

Một cửa van bằng thép, rộng 40m của cống Cái Lớn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cống Cái Lớn có 11 cửa van và âu thuyền rộng 15m, mỗi cửa van rộng 40m và nặng 203 tấn; còn cống Cái Bé cũng có 2 cửa van rộng 35m và âu thuyền.

Ngoài hai "siêu cống" Cái Lớn, Cái Bé, dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 còn có các hạng mục khác như cống Xẻo Rô và 8 cống dọc tuyến An Minh - An Biên; đê nối cống Cái Lớn - Cái Bé với quốc lộ 61 (dài khoảng 5,7km). Ngoài ra còn có hợp phần các mô hình sinh kế và hoạt động phi công trình trên địa bàn Kiên Giang, Hậu Giang.

Trong tổng mức đầu tư 3.309,5 tỉ đồng của dự án, chi phí xây dựng, thiết bị là 2.683 tỉ đồng, còn lại 211,7 tỉ đồng là chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 - cho biết hiện nay toàn bộ dự án này cơ bản hoàn thành, khi nào độ mặn lên cao sẽ triển khai vận hành, kịp thời bảo vệ xâm nhập mặn khi vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa khô năm 2021-2022.

CHÍ QUỐC



Tin tức liên quan

  • Muốn thả vịt ra đồng phải... đóng phí!
  • Thứ bảy, 28/04/2018 - 05:56
  • Sau mỗi vụ thu hoạch lúa xong, người nuôi vịt ở một số vùng nông thôn tỉnh Bình Định phải đóng phí “công đồng lạc túc” cho địa phương. Người dân mong muốn miễn loài phí này, song địa phương cho rằng đây là “truyền thống” từ lâu đời để lại.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn