Sử dụng vốn ODA phát triển hạ tầng ngày càng ít thuận lợi

22/05/2019 16:12

Không chỉ có ý kiến dừng, hay không dùng nguồn vốn ODA cho các dự án đầu tư, các chuyên gia còn đặt vấn đề nếu không dùng nguồn vốn ODA thì sẽ dùng nguồn tài chính nào khác cho các dự án đầu tư trọng điểm, mà metro là một ví dụ điển hình.

 

Sử dụng vốn ODA phát triển hạ tầng ngày càng ít thuận lợi - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng đoạn qua quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiếp sau ý kiến của TS Trần Ngọc Thơ về quan điểm Quá muộn để dừng dùng nguồn vốn ODA, TS  Nguyễn Xuân Thành, giám đốc phát triển trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trong giai đoạn này, việc sử dụng vốn ODA phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các tuyến metro đô thị thì ngày càng ít thuận lợi hơn, với các lý do như sau:

Thứ nhất, lãi suất của Việt Nam không còn được hưởng ở mức như lúc còn là nước thu nhập thấp, so với bây giờ là nước có thu nhập trung bình. 

Thứ hai, khi sử dụng vốn ODA - thực chất là viện trợ có ràng buộc - tức có điều kiện buộc Việt Nam phải sử dụng tư vấn, nhà thầu với chi phí đắt hơn so với việc không bị ràng buộc, nên các dự án ODA chi phí đầu tư phải nói là cao. 

Thứ ba, thời gian chuẩn bị, thủ tục để thực hiện dự án rất lâu. 

Với ba yếu tố này, theo ông Thành, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khi đã chuyển đổi được sang là nước có thu nhập trung bình, "nên tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ODA để phát triển. Thậm chí nhiều nước ngay từ đầu, họ đã ít nghĩ và dùng đến nguồn vốn ODA", ông Thành nhấn mạnh. 

Như vậy, mọi thứ "trục trặc" liên quan đến các dự án BOT, BT trong thời gian gần đây,  không chỉ gây "khó chịu", phản cảm cho các nhà nghiên cứu chính sách, mà cả đến người dân bình thường -  vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Ông Thành cho rằng, nếu Nhà nước đã có những quỹ đất sạch có thể được dùng để huy động vốn khi xây dựng metro, thay vì dùng hình thức đổi đất lấy hạ tầng (không qua đấu thầu cạnh tranh, không lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh mà chỉ định nhà đầu tư)  "thì hãy tổ chức đấu thầu, tổ chức bán đấu giá  cạnh tranh quỹ đất đó để thu về nguồn tiền".  

Nguồn tiền này sẽ được tiếp tục tổ chức đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực xây dựng, phát triển các tuyến metro, thay vì dùng hình thức không minh bạch là đổi đất lấy hạ tầng để lách cái việc phải đấu thầu cạnh tranh.

Trong trường hợp không có quỹ đất sạch, thì Nhà nước dùng cơ chế để công bố đầu tư metro. Công bố này phát đi, chắc chắn nguồn quỹ đất liên quan metro sẽ lên giá. 

"Nếu vì lợi ích của cộng đồng, người dân thì Nhà nước có thể dùng việc phát hành trái phiếu, vay nợ để làm trước các dự án có liên quan đến quỹ đất quanh metro. Sau đó, dùng nó như một nguồn tài sản đảm bảo khi mời gọi các nhà đầu tư. Nhà nước hãy chọn một nhà thầu có năng lực nhất mà không nhất thiết đó phải là công ty bất động sản, mà chỉ cần đó là doanh nghiệp biết đầu tư metro, có đủ năng lực vận hành nó, thì họ sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư hệ thống metro tạo ra", ông Thành đề xuất. 

Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá quỹ đất nói trên hoàn trả cho nhà đầu tư. Thị trường sẽ tự phân định rạch ròi: những nhà đầu tư bất động sản có năng lực phát triển bất động sản sẽ đấu giá mua đất để phát triển bất động sản. Còn doanh nghiệp có năng lực đầu tư hạ tầng metro thì đấu giá để được tham gia xây dựng, vận hành.

Làm được vậy, một dự án metro được đầu tư không cần vốn ODA, mà có thể được huy động nguồn vốn trong nước. 

Nhưng huy động bằng cách nào? 

Theo quan điểm của ông Thành, việc huy động được thực hiện dưới hình thức khai thác quỹ đất đạt giá trị cao nhất - vì người dân - chứ không phải vì chủ đầu tư bất động sản.

Nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi, nhưng phải là người sẵn sàng trả giá trị cao nhất khi đầu tư vào đó, thay vì là doanh nghiệp đầu tư bất động sản có quan hệ tốt nhất vận động chính sách để được hưởng lợi ngay từ đầu.

Còn nếu không làm các cách trên, "cuộc chơi" vẫn như cũ. 

"Nghĩa là việc chiếm hữu đất công - tài sản của nhân dân - để thành đất tư, trở thành sở hữu riêng của các doanh nghiệp chuyên vận động chính sách hòng "đòi" được làm metro đất, lại tiếp tục tái diễn", ông Thành nhấn mạnh. 

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực ODA tại TP.HCM lại cho hay, các dự án hạ tầng giao thông công cộng, hầu hết đều sử dụng nguồn vốn ngân sách bỏ ra vì nó không tạo ra nguồn thu như các dự án đầu tư khác của nhà đầu tư bỏ vốn ra làm. 

"Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo ra những cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong khi, với nhà đầu tư tư nhân, trước tiên họ sẽ xem xét lợi ích của nguồn thu và khả năng hoàn vốn vì nguồn vốn của của họ luôn bị yêu cầu cao hơn, nên thời gian thu hồi cần phải nhanh", vị này bày tỏ quan điểm. 

Mặt khác, với các dự án đường sắt đô thị, thời gian hoàn vốn rất dài, tỉ suất lợi nhuận cũng không thật sự quá hấp dẫn là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân nếu có quan tâm vào việc đầu tư xây dựng metro, thì điều băn khoăn hình thức hoàn vốn cho họ sẽ là gì. 

Trả lời được câu hỏi này, các chuyên gia đều có chung nhận định, lại phải quay ngược trở về vai trò của Nhà nước, là cần xây dựng các chính sách nào cho phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên, "vốn không phải là điều dễ dàng, nhất là trong cơ chế hiện nay". 

 

TRẦN VŨ NGHI



Tin tức liên quan

  • Sử dụng vốn vay ODA, chậm ngày nào TP.HCM chịu thiệt ngày đó
  • 22/04/2022 13:35
  • Việc sử dụng vốn vay ODA để đầu tư các dự án hạ tầng cho TP.HCM được đánh giá cần thiết, giúp phát triển TP.HCM vượt bậc. Nhưng sử dụng nguồn vốn này được ví như 'dao hai lưỡi', vì nếu chậm dù bất cứ lý do nào thì TP.HCM vẫn chịu thiệt.

  • Thủ tướng yêu cầu cắt giảm các khoản chi mua ô tô trong dự án ODA
  • Thứ năm, 08/03/2018 - 13:00
  • Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Phải chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn. Rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua ô tô.

  • Gần 2.600 dự án "xài" vốn ưu đãi, ODA chuẩn bị "lên bàn cân"
  • Thứ sáu, 20/04/2018 - 05:00
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các tỉnh yêu cầu báo cáo đánh giá tác động và hiệu quả gần 2.600 dự án có sử dụng vốn ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức) và vốn vay ưu đãi, giai đoạn 1993 - 2017.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn