Sửa Luật đất đai là vấn đề khó nhất, phức tạp và được trông đợi, quan trọng nhất

12/07/2022 11:13

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 22 ngày (từ 20-10 đến 18-11) và cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Sửa Luật đất đai là vấn đề khó nhất, phức tạp và được trông đợi, quan trọng nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-7 - Ảnh: quochoi.vn

Sáng 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV làm việc 22 ngày (khai mạc vào ngày 20-10, bế mạc ngày 18-11).

Trong 22 ngày làm việc, Quốc hội dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp để xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật. Đặc biệt, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng sửa Luật đất đai là vấn đề khó nhất, phức tạp nhất và được trông đợi nhất, quan trọng nhất. Từ đó, ông Vinh đề nghị khởi động sớm, huy động các thành phần tham gia, huy tối đa trí tuệ để thông qua Luật đất đai.

“Luật đất đai có chất lượng là một trong những đóng góp quan trọng của Quốc hội với tiến tình phát triển của đất nước”, ông Vinh nhấn mạnh.

Chung mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói “đến giờ chúng tôi chưa nhìn thấy dự thảo Luật đất đai” trong khi theo chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án luật này vào tháng 9.

Theo ông Thanh nên đưa dự thảo luật này thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

“Luật đất đai rất phức tạp, sẽ có rất nhiều ý kiến, cần phải đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách”, ông Thanh nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói thêm cần phải huy động rộng rãi ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức xã hội, đoàn thể, cử tri… để xây dựng dự án luật này.

Để khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9-2022. Tại phiên họp tháng 10-2022 chỉ cho ý kiến những nội dung thật sự cần thiết.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự kiến bước đầu kỳ họp thứ 4, thông báo sớm cho các cơ quan biết để chủ động chuẩn bị.

Cạnh đó, tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, trao đổi làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, nhất là về các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp 4.

“Thành công hay không phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhất là với dự án rất khó như dự án Luật đất đai”, ông Huệ nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị Tổng thư ký Quốc hội sớm trình kế hoạch tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến vào các dự án luật.

Cùng với công tác lập pháp, theo dự kiến, Quốc hội dành 9,5 ngày cho ý kiến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Ông Cường cho biết theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội 2 nội dung tại kỳ họp thứ 4 gồm: tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết 30; các chính sách phòng chống dịch COVID-19; tổng kết thực hiện nghị quyết 54 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

Đây là những nội dung quan trọng, cần được xem xét, đánh giá để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, do đó Tổng thư ký Quốc hội đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận 2 nội dung trên.

 

THÀNH CHUNG



Tin tức liên quan

  • Lùi sửa Luật Đất đai qua hết năm 2019
  • Thứ Năm, ngày 11/4/2019 - 07:00
  • (PL)- Chính phủ đề nghị rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh qua hết năm 2019.

  • Người dân tố bị chủ tịch xã lăng mạ, chửi thề trong quá trình giải quyết đất đai?
  • Thứ ba, 27/03/2018 - 07:30
  • “Ở đây tau là chủ tịch là to nhất (ý nói ông Đặng Văn Tú), phá và bắt nhốt hết tau chịu trách nhiệm” hay “bắt bỏ tù hết”, tau không phá được nhà ông Thịnh, bà Sinh tau không làm chủ tịch nữa... . Đó là những phát ngôn (trích từ đơn tố cáo của người dân) đối với ông Đặng Văn Tú - Chủ tịch xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vào ngày 22/3/2018 trong quá trình giải quyết việc tháo dỡ liên quan đến các ki ốt của người dân.

  • Khiển trách giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương
  • 23/02/2018 16:54 GMT+7
  • TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái vừa ký quyết định thi hành kỷ luật công chức bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Trực - giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương do để xảy ra nhiều sai phạm.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn