Tắc đường không phải do ý thức người giao thông

Thứ hai, 15/1/2018 | 09:38 GMT+7

Cần tham khảo quy hoạch và cách ứng xử giao thông các nước tiên tiến.

Tôi đã chán những bài phân tích nói rằng nguyên nhân tắc đường nằm ở ý thức người tham gia giao thông. Rồi từ đó người ta loanh quanh đổ lỗi cho nhau, tại xe máy, tại ô tô, tại xe buýt, tại trời, tại đời... và chốt lại tại anh tại ả tại tất cả chúng ta.

Chỉ ra nguyên nhân rồi vin vào đó để chì chiết lẫn nhau, tìm ra một cái cớ để ta trút hết những bực dọc tích tụ hàng ngày không phải là căn cơ giải quyết vấn đề tắc đường, kẹt xe ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.

Tham khảo cách làm của các nước tiên tiến đi trước về quy hoạch giao thông và áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng miền là các làm hợp lý để giải quyết bài toán giao thông hiện nay.

(Xem thêm: Cần có phương án bắt buộc ôtô vào nội đô phải đóng phí)

Không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về giao thông, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân ,tôi đưa ra một vài yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng tắc đường ở một số thành phố lớn của Việt Nam hiện nay như sau:

1.Quy hoạch đô thị. 

2.Chất lượng hạ tầng cơ sở giao thông.

3.Quy hoạch phương tiện công cộng, cá nhân.

4.Sắp xếp việc phân chia làn đường, cắm biển báo. 

5.Xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông. 

6.Thực thi pháp luật. 

Có những việc chúng ta đã làm không tốt và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên có những việc chúng ta có thể làm ngay để cải thiện tình hình, đơn cử ở nội dung số 4 và 5.

4.  Sắp xếp lại việc phân chia làn đường, cắm biển báo. Dù đường có đông như nào tất cả phải đi theo hàng lối và có trật tự. Biển báo phải đầy đủ, dễ nhìn, dễ quan sát. Khi mọi thứ được quy định rõ ràng và hợp lý, ý thức tham gia giao thông mới có chỗ được thể hiện.

(Xem thêm: 'Tăng cường thu phí xe máy sẽ giảm được vấn nạn kẹt xe')

4.1. Vỉa hè là dành cho người đi bộ và xe đạp. Vỉa hè dành cho người đi bộ là đương nhiên, và xe đạp cũng có thể được sử dụng ở những nơi vỉa hè rộng rãi. Nguyên tắc, xe đạp chỉ được đi một hàng, hạn chế tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và chỉ được qua đường ở những nơi có vạch kẻ, đèn báo cho người đi bộ. Theo đó, ở những khu vực đường mới làm vỉa hè chỉ cần trải nhựa là quá đủ, thuận tiện cho việc sử dụng duy tu bảo dưỡng, không cần lát đá xanh đỏ cho lãng phí. Những nơi vỉa hè nhỏ không đảm bảo cho người đi xe đạp, kẻ một làn nhỏ sát mép phải đủ để một xe đạp di chuyển riêng trên phần đường đó.

4.2. Làn đường ô tô: phần diện tích làn đường dành cho ô tô hiện đang quá rộng, thường gấp 1,5-2 lần so với một thân xe. Thay vì việc chia làn đường một cách tùy hứng, nên kẻ lại làn đường với phần diện tích phù hợp cho một ôtô tham gia. Từ đó, có thể tăng số làn dành cho ô tô trên cùng một diện tích đường. Nguyên tắc: Làn đường dành cho ôtô chỉ ôtô được đi, xe máy người đi bộ xen vào trường hợp xảy ra tai nạn sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Như vậy, dù số lượng ôtô có lớn tới đâu ta cũng chỉ thấy được những hàng xe thẳng tắp, quy củ.

4.3. Làn đường xe máy: hiện tại quá nhỏ, và thường bị chia tỷ lệ một cách tùy hứng. Cần mở rộng hơn sau khi đã thu hẹp bớt một phần làn đường ô tô đang lãng phí. Nguyên tắc: Xe máy chỉ cần một làn đủ rộng và chỉ được trong làn đường của mình, không lấn sang làn ô tô, xe đạp, hay đi lên vỉa hè người đi bộ.

4.4 Xe buýt: đi làn đường dành cho ô tô, theo nguyên tắc sát làn đường dành cho xe máy nhất để thuận tiện cho việc ra vào đón khách.

5. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông

Không thể nói chung chung theo kiểu nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật một cách mơ hồ khái quát. Chúng ta cần những nhà làm luật, những chuyên gia tham khảo những quy tắc ứng xử tham gia giao thông của các nước trên thế giới và viết rõ ràng thành sách để mọi người hiểu và thực hiện theo.

(Xem thêm Cảnh sát phạt vi phạm thật nặng thì kẹt xe sẽ giảm)

Đơn cử: Bạn có biết phải làm gì để nhường đường cho các phương tiện xe ưu tiên như cứu hỏa, cứu thương? Xe cứu hỏa, cứu thương cần làm gì để các phương tiện khác biết để nhường đường? Có nên cảm ơn những người tham gia giao thông đã nhường lại đường cho ta?… Khi rẽ trái, chuyển hướng ở khu vực giao nhau bạn có nhường đường cho các phương tiện đi thẳng di chuyển trước? Cảm ơn thế nào khi được người khác nhường đường? Còi, đèn được sử dụng như nào? Có nên dùng còi để ép người khác nhường đường hay bày tỏ sự khó chịu với ai đó?

Vô vàn tình huống phát sinh trên đường, cần một bộ quy tắc ứng xử diễn giải chi tiết để người tham gia giao thông hiểu và thực hiện theo, thay vì nhồi nhét  một cuốn luật khô khan mà sau đó người ta cứ nói rằng người Việt Nam không có văn hóa giao thông. 

(Xem thêm: 'Giao vỉa hè cho nhà mặt tiền sử dụng là sẽ hết lấn chiếm')

Một bài viết ngắn gọn không thể chuyển tải hết nội dung, cũng như ý kiến một cá nhân không thể bao quát hết toàn bộ vấn đề. Tuy nhiên, điểm cốt lõi có thể nhìn thấy là không có một rào cản nào đối với việc chúng ta tham khảo các làm của các nước văn minh trên thế giới áp dụng vào Việt Nam để giải quyết tình trạng giao thông lộn xộn như hiện nay.

Hơn nữa, Việt Nam cũng không thiếu người tài năng, tâm huyết, đã được trải nghiệm chất lượng dịch vụ giao thông tuyệt vời ở các nước bạn, đứng ra nghiên cứu chi tiết và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình hình giao thông hiện nay. Tất cả, đơn giản chỉ phụ thuộc vào người đứng đầu ngành có muốn thay đổi tư duy và thực hiện hay không mà thôi.

Nguyễn Bảo Hưng



Tin tức liên quan

  • Xe máy bị cuốn vào gầm xe tải, 2 vợ chồng thương vong
  • Thứ tư, 17/01/2018 - 19:39
  • Khoảng 15h ngày 17/1, tại khu vực ngã ba đường Hùng Vương giao với Trần Phú (thuộc phường 7, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe tải và xe mô tô làm 1 người tử vong và 1 người nguy kịch.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn