'Tại sao doanh nghiệp đổ tiền vào đấu giá đất nhưng không mặn mà với dự án PPP'

06/01/2022 11:44

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu TP.HCM) góp ý chủ trương xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội ngày 6-1.

Ngày 6-1, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu TP.HCM đã thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung một số luật, chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cơ chế chính sách đặc thù cho Cần Thơ.

Góp ý về chủ trương dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc hiện nay dự án này chuyển sang đầu tư công có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đó chỉ là một phần nguyên nhân.

"Phải chăng chúng ta thất bại trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)", ông Nghĩa nói.

Tại sao doanh nghiệp đổ tiền vào đấu giá đất nhưng không mặn mà với dự án PPP - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ

Ông Nghĩa đề nghị trước hết phải rà soát, xác định lý do vì sao các dự án PPP không được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vốn nhàn rỗi.

"Việc đấu giá đất Thủ Thiêm cho thấy các nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền vào đất nhưng tại sao không mặn mà với cao tốc Bắc - Nam", ông dẫn chứng.

Theo ông Nghĩa, hiện nay việc tổ chức thực hiện các dự án PPP và bảo vệ nhà đầu tư tư nhân chưa tốt. Phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) là phương thức rất tiến bộ, vì không có quốc gia nào đủ vốn để đầu tư công 100% các dự án. Khi tư nhân tham gia vào các dự án sẽ có sự quản lý tốt hơn.

Ông Nghĩa cho rằng Chính phủ nên nhìn nhận vấn đề chứ không thể dự án nào không kêu gọi được PPP thì chuyển qua đầu tư công.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng Chính phủ cần rà soát lại hết các quy định hiện hành, đánh giá lý do nhà đầu tư không hứng thú với các dự án.

"Các nhà đầu tư cho rằng các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư PPP hay thay đổi, không đảm bảo cho họ. Mình muốn sử dụng tiền của người ta để được dự án cho mình nhưng mình lại luôn sợ họ có lời nhiều. Phải chấp nhận việc nhà đầu tư có lời mới đầu tư. Chúng ta phải thấy lợi ích trước mắt về mặt xã hội", bà Tuyết nói.

Tại sao doanh nghiệp đổ tiền vào đấu giá đất nhưng không mặn mà với dự án PPP - Ảnh 2.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Bà Tuyết cho rằng việc đảm bảo không để xảy ra các vi phạm pháp luật là cần thiết nhưng các quy định cũng phải đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc Chính phủ đề xuất phương án khi đầu tư xong sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi nguồn vốn, theo bà Tuyết, hiện nay những quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế nhượng quyền chưa có.

"Như vậy bây giờ Quốc hội cho ý kiến theo phương thức này nhưng khi trình quy định thì Quốc hội không đồng ý thì như thế nào? Chính phủ nên hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan trước thì sẽ phù hợp hơn", bà Tuyết đề nghị.

ÁI NHÂN - THẢO LÊ



Tin tức liên quan

  • Doanh nghiệp trúng thầu sau khi đề xuất dự án BT nghìn tỷ được ưu ái cả nguồn vốn?
  • Thứ năm, 17/05/2018 - 07:14
  • Là doanh nghiệp tự đề xuất dự án BT với tổng mức đầu tư hơn 1.163 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh được giao thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu ngay sau đó và nhận đối ứng quyền sử dụng 14,25 ha đất ở ngay tại TP Bắc Giang. Điều khá đặc biệt là doanh nghiệp này còn được bảo lãnh để vay cả tiền từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang.

  • Doanh nghiệp trúng thầu sau khi đề xuất dự án BT nghìn tỷ: Được luôn tỉnh bảo lãnh vay vốn!
  • Thứ ba, 22/05/2018 - 07:40
  • UBND tỉnh Bắc Giang đã ra hàng loạt các quyết định yêu cầu: Nhà đầu tư thực hiện dự án BT nghìn tỷ tự dùng vốn tự chủ và vốn vay thương mại huy động. Nhà nước không góp vốn, không hỗ trợ vốn để thực hiện dự án này. Thế nhưng, cũng chính lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lại đồng ý bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay hàng chục tỷ từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để làm dự án.

  • Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng
  • Thứ hai, 21/05/2018 - 10:03
  • Qua kiểm toán tại 30 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Cơ quan kiểm toán nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn