Tạo kẽ hở cho chặt phá rừng, làm nhà vào đất rừng

Thứ ba, 19/06/2018 - 06:00

Ranh giới giữa đất rừng sản xuất với đất rừng phòng hộ còn chưa rõ ràng tạo kẽ hở cho một số vi phạm trong quá trình rà soát, sắp xếp như chặt phá rừng, khai thác rừng không đúng pháp luật, kinh doanh, làm nhà ở vào đất rừng, làm giảm hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Hà Giang.

Kết luận chỉ rõ, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích được cấp giấy chứng nhận chủ yếu là đất phi nông nghiệp, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất.

Hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý liên quan đến việc giao quản lý và sử dụng đất còn thiếu và yếu, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Chặt phá rừng tại Hà Giang (Ảnh: TTXVN).

Chặt phá rừng tại Hà Giang (Ảnh: TTXVN).

Đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nay giao cho các Ban quản lý rừng thuộc các huyện quản lý cũng chưa có hồ sơ kỹ thuật và pháp lý về đất đai. Ranh giới giữa đất rừng sản xuất với đất rừng phòng hộ còn chưa rõ ràng tạo kẽ hở cho một số vi phạm trong quá trình rà soát, sắp xếp như chặt phá rừng, khai thác rừng không đúng pháp luật, kinh doanh, làm nhà ở vào đất rừng, làm giảm hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường.

Đất rừng phòng hộ và đất tại các công ty lâm nghiệp qua các giai đoạn không quản lý được, hồ sơ quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường của các huyện và các ban quản lý rừng phòng hồ không được lưu giữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan thanh tra phát hiện năm 1993 UBND huyện Bắc Quang cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền với tổng diện tích 17,4 ha (Công ty lâm nghiệp Vĩnh hảo 7,7 ha, Công ty cổ phần chè Hùng Anh 9,7 ha) vi phạm Luật Đất đai nhưng cho đến nay chưa được UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo việc thu hồi theo quy định.

Đất đã giao cho 3 Công ty lâm nghiệp Cầu Ham, Ngòi Sảo, Vĩnh Hảo quản lý sử dụng đã được UBND tỉnh Hà Giang thu hồi điều chỉnh từ 14.213 ha (năm 1999) giảm xuống còn 10.210 ha (năm 2011) nhưng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các công ty chưa được thu hồi để điều chỉnh diện tích và tên người sử dụng theo quy định.

Việc triển khai các quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn chậm, chưa kịp thời. Căn cứ diện tích kê khai của các đơn vị để xác định số tiền phải thu từ cho thuê đất đối với 4 công ty là chưa phù hợp với thực tế sử dụng và các quy định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh.

“Công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa được chú trọng. Các cơ quan chức năng trong tỉnh chưa chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực này. Từ năm 2000-2016 mới chỉ triển khai 4 cuộc tại 4 công ty, còn đối với đất rừng phòng hộ, chưa tổ chức cuộc thanh tra nào. Việc phát hiện vi phạm qua thanh tra chưa được quan tâm, xử lý kip thời, kết quả xử lý sau thanh tra còn hạn chế”- Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hà Giang về quản lý, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ để khảo sát, đo đạc, xác định bản đồ chính xác về diện tích, vị trí, phân loại chính xác về đất do các Ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng.

Về xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cơ quan thanh tra yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và sử dụng đối với đất có nguồn từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thuế, UBND các huyện (Bắc Quang, Quang Bình, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Vị Xuyên), các ban quản lý rừng phòng hộ,… nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra những vi phạm nêu trên.

Thế Kha



Tin tức liên quan

  • Vụ 28 ha rừng tan hoang cách trạm bảo vệ 15m: Vì sao rừng liên tục bị phá?
  • Thứ tư, 20/06/2018 - 07:40
  • Ngoài việc buông lỏng quản lý của đơn vị chủ rừng, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị, việc gần 300ha rừng bị mất còn bắt nguồn từ sự chậm trễ trong việc cấp đất cho đồng bào di cư tự do. Hơn 10 năm chờ đợi, hàng chục hộ dân phải cư trú bất hợp pháp và tự phá rừng để mưu sinh.

  • Tan hoang những cánh rừng phòng hộ... không còn cây!
  • Thứ tư, 27/06/2018 - 07:00
  • Nhiều cánh rừng thuộc diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã bị chặt, phá, đốt… không thương tiếc. Điều đáng nói, sự việc kéo dài đã rất lâu, diện tích rừng bị hủy diệt ngày càng lớn nhưng lực lượng chức năng dường như không hay biết.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn