Thống nhất phương thức thu phí dịch vụ đường cao tốc, tránh phí chồng phí? | Báo Dân trí

Thứ ba, 06/10/2020 - 16:39

Dịch vụ sử dụng đường cao tốc (kể cả đường cao tốc do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư) sẽ đều áp dụng thống nhất phương thức thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá).

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo), pháp luật phí, lệ phí và pháp luật về giá hiện hành đối với sử dụng đường bộ quy định: Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hàng năm (tiền phí thu được sử dụng cho hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý); thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) qua trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (doanh nghiệp đầu tư). Chưa có quy định cụ thể về việc thu phí/giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.

Trong khi đầu tư đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn (dự kiến đến năm 2020 cần 342,6 nghìn tỷ đồng và đến năm 2030 cần 599,1 nghìn tỷ đồng), cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội.

Từ đó, dự thảo nghị quyết đề xuất “quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá”.

Thống nhất phương thức thu phí dịch vụ đường cao tốc, tránh phí chồng phí? - 1

Trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định điều chỉnh danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do địa phương quản lý”.

Theo Bộ Tài chính, quy định này tương tự quy định tại Điều 3 Nghị định 149/2016 của Chính phủ. Dịch vụ sử dụng đường cao tốc (kể cả đường cao tốc do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư) sẽ đều áp dụng thống nhất phương thức thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá).

Quy định này cũng được coi là phù hợp với Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020. Hơn nữa sẽ khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ.

Việc thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh,… thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.

Hơn nữa mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Hết thời gian hoàn vốn sẽ dừng thu như các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư).

“Điều này đảm bảo công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận. Tránh được sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng phí chồng phí, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”- Bộ Tài chính lý giải.

Thế Kha



Tin tức liên quan

  • Ôtô qua trạm: ai cũng muốn xếp hàng... trả phí
  • 11/04/2022 10:30
  • Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong những ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, tại một số trạm thu phí, trong khi làn thu phí không dừng (ETC) thông thoáng thì những làn thu phí thủ công bị ùn ứ, tắc nghẽn.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn