Thu nhập 14 triệu đồng/năm, hơn 500 hộ dân tộc thiểu số tự nguyện xin thoát nghèo

01/11/2019 16:38

Sáng 1-11, Quốc hội đã dành riêng một buổi để thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Thu nhập 14 triệu đồng/năm, hơn 500 hộ dân tộc thiểu số tự nguyện xin thoát nghèo - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết có 500 hộ dân tộc thiểu số xin thoát nghèo - Ảnh: Q.H.

Trước đó, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng 2 lần là cao, không khả thi, trong khi chỉ tiêu về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chỉ tiêu đào tạo nghề cao và khó đạt được.

Giải trình vấn đề này, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, cho biết hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần, tức là đạt khoảng 26-28 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, Văn kiện Đại hội Đảng của một số địa phương đặt ra rất cao. Đơn cử như năm 2020 so với 2015, Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Ninh Thuận 2 lần, Gia Lai 2,1 lần, Sóc Trăng 1,8 lần, Bạc Liêu 2,1 lần.

"Đề nghị cho giữ khoảng 2 lần để từng hộ, từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu và hàng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được" - ông Chiến nói.

Cạnh đó, chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%, vì vậy việc đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng bằng cấp chứng chỉ 10-15% theo ông Chiến là phù hợp.

Đối với chỉ tiêu giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, ông Chiến cho biết sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh cho phù hợp.

"Đây là một khâu đột phá khi thực hiện đề án, không có kinh tế thì chúng ta dần làm sẽ có kinh tế, nhưng nếu để con em chúng ta không học hành đến nơi đến chốn thì là cả một thế hệ. Do vậy đây có một sự quan tâm rất đặc biệt" - ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số đang nỗ lực để vươn lên. Đặc biệt, thông tin vui là gần đây 500 hộ dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây sẽ là nguồn lực mới cho sự thành công của dự án, nên Chủ tịch Hội đồng dân tộc khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong đề án cần quan tâm hơn như phát triển lâm nghiệp, chính sách về đất ở, nhà ở; kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt chú ý đến các nhóm dân tộc rất ít người; thực hiện bình đẳng giới; coi trọng công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số…

"Chú ý hơn nữa đến cán bộ làm công tác dân tộc trong cả nước. Chú ý xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số vững mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân để chúng ta bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia thực sự vùng này là phên giậu của Tổ quốc" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

N.AN



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn